Bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2022 đến thời điểm này đạt được kết quả khả quan, đây là sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng bởi ngay từ đầu năm, các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh phải chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn.
Tính đến ngày 15/10/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 26.400 tỷ đồng, bằng 82,92% so với dự toán, có được kết quả đó phải kể đến việc các cấp chính quyền, ngành chức năng đã gia tăng các biện pháp kiểm soát lạm phát, kịp thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tỷ lệ người nộp thuế theo phương thức điện tử trên địa bàn tỉnh đã đạt 99,9%, tỷ lệ nộp thuế điện tử đạt hơn 95%; đã có hơn 14.300 người nộp thuế được hưởng các chính sách liên quan đến miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế với tổng số tiền hơn 11.800 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đến hết năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt dự toán đã đề ra, trong 2 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu ngân sách Nhà nước. Trong đó, các giải pháp trọng tâm được xác định là: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng điện tử, số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế; làm tốt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp kê khai không đúng hoặc không nộp, chậm nộp thuế; hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất, qua đó, đóng góp nguồn thu vào ngân sách tỉnh./.
Thùy Linh