Mặc dù năm 2021 chỉ số PCI Vĩnh Phúc có sự bứt phá ngoạn mục, song riêng đối với chỉ số thành phần tính minh bạch lại có sự sụt giảm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều này đặt ra yêu cầu cần cải thiện hơn nữa việc tiếp cận thông tin - yếu tố cấu thành chính trong chỉ số tính minh bạch.
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong 16 năm công bố PCI cấp tỉnh, chỉ số Tính minh bạch của Vĩnh Phúc có 6 năm nằm trong top 10; 5 năm nằm trong top từ 10 đến 20. Riêng năm 2021, chỉ số Tính minh bạch chỉ đạt 5,63 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tụt 31 bậc so với năm 2020.
Cụ thể, trong 17 chỉ số thành phần của chỉ số Tính minh bạch, năm 2021, Vĩnh Phúc có 10 chỉ số giảm điểm hoặc đạt điểm trung vị từ 34%-67% so với năm 2020, gồm: Tiếp cận tài liệu quy hoạch; tiếp cận tài liệu pháp lý; tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh; khả năng dự liệu được việc thực thi của tỉnh với quy định pháp luật của Trung ương. Điều này cho thấy, việc doanh nghiệp tìm kiếm các thông tin liên quan đến quy hoạch, tiếp cận tài liệu pháp lý, thông tin, văn bản điều hành của tỉnh còn khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu năm 2022, chỉ số Tính minh bạch vươn lên xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường công khai, minh bạch các thông tin phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp tục hoàn thiện Cổng dịch vụ công của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, an toàn, dễ sử dụng; đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử của các cơ quan.
Với những giải pháp đã và đang được triển khai tích cực, Vĩnh Phúc quyết tâm cải thiện việc tiếp cận thông tin về các văn bản, chính sách của tỉnh đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo tiền đề cải thiện chỉ số tính minh bạch trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022./.
Hải Đăng