Theo Tổng cục Du lịch, doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng của năm 2022 ước đạt 22.900 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Du khách du lịch quanh Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thông tin Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/11 cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 596.900 lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Điều này là do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 11 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2,95 triệu lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19.
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm 88,9% ; bằng đường bộ là gần 11,1% và bằng đường biển chiếm 0,03%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng của năm 2022 ước đạt 536.300 nghìn tỷ đồng, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng của năm 2022 ước đạt 22.900 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Du lịch đã ra mắt hệ thống thư điện tử (email) xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại địa chỉ https://mail.vietnam.travel. Đây là lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam có một hệ thống email chung chuyên trách phục vụ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đồng bộ với thương hiệu uy tín vietnam.travel (website quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài của Tổng cục Du lịch).
Việc ra mắt hệ thống email xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; trong đó chú trọng xây dựng các công cụ, ứng dụng nhằm gia tăng trải nghiệm du lịch.
Như vậy, đến nay ngành du lịch Việt Nam đã có hệ thống email xúc tiến quảng bá du lịch (mail.vietnam.travel) và hệ thống email công vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước (https://mail.vietnamtourism.gov.vn/), qua đó hoàn thiện hệ thống email giao dịch trong ngành du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, thống nhất về thương hiệu du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ ngày 2/12, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) sẽ phối hợp với các đơn vị đối tác khởi động Dự án “Thẻ Việt” thuộc chương trình “Một thẻ quốc gia” do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện.
Ba sản phẩm chủ lực của dự án gồm: Thẻ Việt (thẻ vật lý và thẻ số); Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” sẽ chính thức được phát hành và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Dự án này có ý nghĩa quan trọng, nhằm hình thành các nền tảng số tầm quốc gia, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng như thực hiện mục tiêu Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, thông qua dự án cũng khuyến khích tinh thần sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số hỗ trợ phát triển du lịch, khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp và lòng tự hào về sản phẩm do chính người Việt làm ra trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/khach-quoc-te-den-viet-nam-da-dat-moc-295-trieu-luot-nguoi/832890.vnp