Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo là địa phương có đa số đồng bào dân tộc Sán Dìu. Những năm qua, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách chung của cả nước, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Nhờ đó, đến nay diện mạo nông thôn xã Đạo Trù ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 100.000 người được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 3.600 tỷ đồng. Trong đó, có thêm gần 600 hộ nghèo mới được vay vốn, nâng tổng số hộ nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi lên hơn 3.500 hộ, với tổng dư nợ trên 220 tỷ đồng. Riêng tại huyện Yên Lạc, tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt trên 445 tỷ đồng, cho hơn 31.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong năm 2022, các cấp chính quyền tỉnh cùng với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 2.882 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn 3,1 tỷ đồng; 4.274 hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội và hộ có hoàn cảnh khó khăn khác được hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh với 872 đối tượng, được hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng.
Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới được 144 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 38 nhà, với tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng; tặng được 13 sổ tiết kiệm với giá trị là 20-30 triệu đồng/sổ, với tổng số tiền 350 triệu đồng. Các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội và nhà cho công nhân nghèo được 82 nhà, với số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, tính đến tháng 12 năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,08%, giảm 0,43% so với năm 2021.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 0,3 đến 0,5%; đến cuối năm 2025, tỷ hộ nghèo đa chiều còn dưới 0,5%, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Phúc tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về công tác giảm nghèo; đồng thời huy động các nguồn lực, tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững ./.
Lưu Trường