Sáng 17/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đóng trên địa bàn phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, 47 năm đào tạo tại Xuân Hòa và đón nhận cờ thi đua của Chính Phủ.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; đại diện một số Bộ, Ngành; lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo thành phố Phúc Yên; các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên qua các thời kỳ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được thành lập ngày 14/8/1967 trên cơ sở chia tách từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất di chuyển về xây dựng tại phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên với 4 khoa và 15 cán bộ, 30 giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu.
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã khẳng định vị thế của một đơn vị đào tạo uy tín, một trong những trường sư phạm chủ chốt của cả nước. Đến nay, nhà trường đã có một đội ngũ lớn mạnh với 494 viên chức, trong đó có 22 phó giáo sư, 140 tiến sĩ và 228 thạc sĩ. Với 7 phòng chức năng, 12 khoa, 3 trung tâm và 3 viện nghiên cứu; quy mô đào tạo hơn 8.500 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Nhà trường đã đào tạo và bồi dưỡng hàng vạn giáo viên, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý cho các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Nhiều sinh viên của trường đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, nhà giáo ưu tú.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Đồng thời, chúc mừng và biểu dương những thành tựu của nhà trường đã đạt được trong 55 qua. Khẳng định Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang tập trung đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, do vậy vai trò của các Trường Đại học sư phạm rất quan trọng, cho nên nhà trường cần tập trung đổi mới hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Trong đó, cần tập trung đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại đạt chuẩn khu vực, hội nhập và đáp ứng nhu cầu xã hội, từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế; chú trọng đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, ưu tiên khoa học giáo dục; chăm lo xây dựng phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
Thu Hoài