Cập nhật: 20/12/2022 09:10:00
Xem cỡ chữ

Qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không xảy ra vụ án có tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng liên quan “tín dụng đen”. Tuy nhiên, lực lượng Công an xác định loại tội phạm này vẫn lén lút hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức.

Ngày 16/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an Thành phố Vĩnh Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Luông, sinh năm 1990; Hoàng Mạnh Chiến, Đỗ Xuân Hưng, cùng sinh năm 1998, ở huyện Ba Vì (Hà Nội) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đó là vụ việc mới nhất liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh bị Công an tỉnh đấu tranh triệt phá. Từ năm 2020, Công an tỉnh đã triển khai đề án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen, đã điều tra, khởi tố hàng chục vụ án. Mặc dù vậy, vì lợi nhuận, các đối tượng liên quan tín dụng đen vẫn lén lút hoạt động dưới nhiều hình thức.

Như trong vụ án trên, Hoàng Văn Luông đã cùng đồng bọn sử dụng hình thức bốc bát họ để cho nhiều người vay khoảng 2 tỷ đồng, với mức lãi suất từ 4.000, 5.000 đến 10.000 đồng/triệu/ngày, tức là từ 144% đến 216%/năm, thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Với thủ đoạn cho vay không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh, “tín dụng đen” len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Thực tế điều tra các vụ án cho thấy, nhiều trường hợp vay tiền do nhận thức hạn chế, không lường được lãi suất cắt cổ và cách tính “lãi mẹ đẻ lãi con” của các đối tượng làm cho người vay không thể kịp trở tay để trả gốc, đành cứ giật gấu vá vai để trả lãi, dẫn đến số tiền phải trả cuối cùng gấp nhiều lần số tiền gốc ban đầu hoặc hoàn toàn mất khả năng thanh toán gốc và cứ thế bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát. Thực tế đã có không ít trường hợp vướng vào tín dụng đen phải bán toàn bộ gia sản mà vẫn không đủ trả nợ.

Tiếp tục thực hiện đề án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen, lực lượng Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý các loại hình kinh doanh thường bị các đối tượng lợi dụng phạm tội như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tư vấn tài chính, cho vay, hỗ trợ tài chính… để phòng ngừa tội phạm liên quan “tín dụng đen”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan vay tiền của các đối tượng “tín dụng đen” để rồi bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát./.

Minh Ánh/Công an tỉnh