Thời điểm cuối năm, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang mong ngóng thưởng Tết để có thêm nguồn chi phí trang trải dịp Tết và ổn định cuộc sống sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng biến động, đồng lương công nhân ít ỏi, Tết thì đang đến gần, mọi chi phí từ nhỏ đến lớn về kinh tế cứ đè nặng lên đôi vai của anh Nguyễn Bá Chuyền công nhân thuộc Tập đoàn Prime, Khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên. Là công nhân gắn bó lâu năm với doanh nghiệp, anh Chuyền cũng rất mong doanh nghiệp quan tâm, chăm lo hơn nữa tới đời sống vật chất, tinh thần để người lao động có một cái Tết đủ đầy, sum họp bên gia đình.
Còn hơn một tháng là Tết cận kề, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Công ty TNHH SolumVina, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên cũng như nhiều lao động đang làm việc ở đây cũng rất mong chờ vào thưởng Tết của doanh nghiệp. Đối với chị Thảo, thưởng Tết không chỉ là vật chất mà nó còn thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp là nguồn động viên khích lệ lớn để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Năm 2022, trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng nhờ chủ động, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có sự tăng trưởng, đây cũng là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp quay trở lại quan tâm, chăm lo Tết cho người lao động, bởi người lao động chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp trong sự phát triển.
Theo báo cáo của sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến nay có 106 doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng Tết âm lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân là trên 4 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 260 triệu đồng/người.
Bên cạnh tiền thưởng tết, nhiều doanh nghiệp còn có các chính sách, chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động như tặng quà, khen thưởng, hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho người lao động ở xa về quê ăn Tết. Chính sự quan tâm này sẽ giúp người lao động vượt qua khó khăn đón một cái Tết trọng vẹn, nghĩa tình./.
Nguyễn Toàn