Năm 2022, những vụ án lớn, nghiêm trọng khiến nhiều nhà đầu tư, người dân bị thiệt hại đã được lực lượng chức năng đưa ra ánh sáng.
Khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh:
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty con gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Đầu tư & Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.
Bị can Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh) và bị can Đỗ Hoàng Việt.
Từ việc phát hành trái phiếu gian dối, nhóm đã huy động tiền trái quy định của nhiều nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Liên quan vụ án này, lực lượng chức năng đã khởi tố ông Đỗ Anh Dũng (cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh, thời điểm bị bắt là Chủ tịch); Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, cựu Phó tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh); Nguyễn Mạnh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt)… và các bị can có liên quan.
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/1/2022 - phiên mà cựu chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc có hành vi tạo cung cầu giả, “thổi giá” cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC lên cao. Đến thời điểm mức giá cổ phiếu lên cao, cựu Chủ tịch FLC đã chỉ đạo bán ra số lượng rất lớn, trong đó có một lượng cổ phiếu được “bán chui”, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.
Ở vụ án này, lực lượng chức năng đã khởi tố bị can với Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC), hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga – cựu thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế - nhân viên kế toán thuộc ban kế toán và các bị can có liên quan.
Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát:
Cơ quan điều tra xác định, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của nhà đầu tư trong thời gian năm 2018 - 2019. Sai phạm này xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và bị can Trương Huệ Vân
Lực lượng chức năng đã khởi tố Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị can có liên quan.
Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty AIC, bệnh viện Đồng Nai và các đơn vị liên quan:
Nhà chức trách cáo buộc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) đã móc nối với cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái và hối lộ cho mỗi người này 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu giám đốc BV Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cũng nhận 14,8 tỷ đồng từ AIC.
Cựu Bí thư Đồng Nai - Trần Đình Thành tại phiên tòa
Mục đích của việc hối lộ là để AIC thắng thầu sai quy định với 16 gói thầu trong Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau đó, các bị cáo đã nâng khống giá các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
TAND TP Hà Nội đang đưa ra xét xử với 36 bị cáo trong vụ án này. Trong số đó, 1 bị cáo xin xét xử vắng mặt và 7 bị cáo đang trốn truy nã.
Vụ “chuyến bay giải cứu” xảy ra ở Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị có liên quan:
Vụ án được Cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1/2022, liên quan đến việc nâng khống chi phí đưa công dân Việt Nam về nước, trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Đến nay đã có hơn 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Một "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước
Trong đó, quan chức cấp cao nhất bị khởi tố đến nay là ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao). Ông Dũng bị điều tra về hành vi Nhận hối lộ.
Ngày 22/12, một quan chức cấp cao của Hà Nội là ông Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Nhận hối lộ trong vụ án này.
Theo Trọng Phú/VOV.VN
https://vov.vn/phap-luat/cac-vu-an-lon-nghiem-trong-bi-khoi-to-trong-nam-2022-post992205.vov