Cập nhật: 25/12/2022 10:25:00
Xem cỡ chữ

Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban năm 2022. Đồng chủ trì có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Văn phòng Chính phủ, triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06): Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 225 nhiệm vụ, trong đó: 59 nhiệm vụ đã hoàn thành; 166 nhiệm vụ đang triển khai.

Đối với hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã giao 56 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ 2 và thứ 3 của Ủy ban. Đến nay, 45 nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, còn 11 nhiệm vụ đang triển khai. Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, giúp người dân được thụ hưởng ngay kết quả của Đề án 06.

Chẳng hạn, với việc xác thực, đồng bộ dữ liệu dân cư với hơn 68 triệu dữ liệu về bảo hiểm xã hội; 26 triệu dữ liệu giáo viên, học sinh; 28 triệu dữ liệu thuế, đã giúp người dân không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, thay đổi thông tin cá nhân, mà được các hệ thống tự động điều chỉnh. Hay việc tích hợp và khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế, giúp giảm giấy tờ tùy thân...

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Một thí dụ khác là việc đăng ký, cấp biển số xe, bên cạnh việc đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết thì thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa dân cư, đăng kiểm, thuế, hải quan, ngân hàng giúp bãi bỏ thủ tục xác nhận nguồn gốc xe đối với xe nhập khẩu, cũng như cắt giảm các giấy tờ, giảm thời gian đi lại của người dân... Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, hiện nay, đã có 4.290 dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (chiếm 66% số lượng thủ tục hành chính)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về kết quả đạt được đối với hạ tầng số: tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6% so cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2021), xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps.

Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn, bản (toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng, tăng 1,9% so đầu năm 2021), còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do một số thôn chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn. Thực hiện bàn giao máy tính và chuyển kinh phí cho các tỉnh tương đương với 503.249 trong tổng số 600.000 máy huy động từ các nguồn xã hội hóa triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.659.719 thuê bao, tăng gấp hơn 7,3 lần so với năm 2021 (362.721 thuê bao).

Hội nghị kết nối tới 63 tỉnh, thành phố.

Đối với nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số.

43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khóa bồi dưỡng trực tuyến về Cách tiếp cận nền tảng trong chuyển đổi số cho hơn 3.257 công chức, viên chức của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số.

Về nhân lực số: 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 146).

63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 4.839 lượt công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương và 28.989 lãnh đạo UBND cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đến tháng 12/2022, có 27.768 cán bộ, công chức, viên chức đã hoàn thành các khóa học, vượt mục tiêu bồi dưỡng 10.000 cán bộ, công chức, viên chức đề ra trong năm 2022, Nền tảng học trực tuyến mở đại trà có hơn 16 triệu lượt truy cập.

Trong tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp công nghệ số và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phổ biến, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho 255.545 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng tại 58/63 địa phương (Hà Nội, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình dự kiến tổ chức trong năm 2023)...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc năm 2022 - năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu đáng ghi nhận; và chuẩn bị bước sang năm 2023 - năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp chung của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác chuyển đổi số. Đối với công tác này, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 là rất nặng nề; chúng ta vừa phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan những công việc đã làm được với tinh thần là “không tô hồng cũng không bôi đen”; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến việc công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn, bài học kinh nghiệm thì mới có giải pháp hiệu quả; đánh giá ý nghĩa của việc này tại các bộ, ngành, địa phương mình. Nếu người đứng đầu đơn vị quan tâm thì công việc này được triển khai tốt.

Thứ hai, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06. Theo Thủ tướng, cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng; vấn đề kết nối, rồi khai thác hiệu quả. Do đó phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhanh, thuận lợi, hiệu quả. Đây là dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của riêng Bộ Công an. Chúng ta đã thống nhất rồi thì phải hành động, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tình hình kết quả triển khai Đề án 06 năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Thứ ba, xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn (Về thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số như thế nào? Vấn đề nhân lực số ra sao? Việc xây dựng, chia sẻ, kết nối các nền tảng số và cơ sở dữ liệu? Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng? Vấn đề tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân?...). Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành suy nghĩ, chúng ta sẽ có một hội nghị chuyên đề về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Theo Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thuc-day-trien-khai-de-an-06-chuyen-doi-so-manh-me-hieu-qua-hon-nua-post731625.html