Tết là lúc mọi người ai cũng hướng về gia đình, về quê hương với ước muốn được sống trong không khí đoàn tụ, sum vầy bên cạnh những người thân yêu của mình. Nhưng cũng trong thời điểm này, có những con tàu Cảnh sát biển vẫn rời cảng lên đường ra khơi xa làm nhiệm vụ. Đối với những người lính biển, việc coi con tàu là nhà, biển đảo là quê hương không còn xa lạ. Ngay cả việc thường xuyên nhận nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán cũng trở nên rất đỗi bình thường.
Khi bông dơn vừa hé nở, chậu mai vàng, cành đào vừa bung nụ... cũng là lúc con tàu mang số hiệu CSB 4036, thuộc Hải đội 112, Hải đoàn 11 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 bắt đầu rời bến lên đường thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.
Không chỉ cán bộ, chiến sĩ của tàu CSB 4036 mà cả những ai có mặt ở cầu cảng để tiễn con tàu ra khơi đều cảm thấy xốn xang, rạo rực xen lẫn xúc động, bồi hồi bởi mùa Xuân đã đến... Anh em lính tráng chia tay nhau trong cái thời khắc thiêng liêng của đất trời đang vào độ giao hòa cũng không khỏi lưu luyến. Và những người ở lại đều không quên gửi lời cầu chúc cho chuyến hải trình của đồng đội bình an.
Năm nào cũng vậy, khi Tết đến Xuân về, những con tàu của Hải đoàn lại thay phiên nhau lên đường làm nhiệm vụ trực tại các điểm đảo được phân công. Những chuyến đi xuyên qua Tết như vậy mang cảm giác rất đặc biệt. Đặc biệt là bởi giữa thời khắc giao hòa của đất trời, những người lính trên những con tàu mang tên Cảnh sát biển Việt Nam vẫn lênh đênh cùng sóng gió để gánh vác trọng trách canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Khi ấy, nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân lại ùa về.
Thiếu tá Trần Văn Tạ, nhân viên ra đa tàu CSB 4036, quê ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, đã có hơn hai mươi năm làm lính tàu, đã từng rong ruổi không biết bao nhiêu chuyến làm nhiệm vụ và cũng có không ít lần đón giao thừa trên biển. Tạ tâm sự: “Những ngày Tết cổ truyền dân tộc, được sum vầy bên người thân, gia đình luôn là điều mong ước của bất kỳ người Việt Nam nào. Song vì nhiệm vụ, không ít người, trong đó có những người lính biển chúng tôi phải đón Tết giữa khơi xa. Dẫu rất nhớ nhà, nhớ đất liền nhưng mình cảm thấy tự hào vì đã góp phần mang lại hạnh phúc, bình yên cho đất nước”.
Tâm sự của Tạ đưa mọi người nhớ lại sự kiện xảy ra cách đây 5 năm, cũng trong chuyến làm nhiệm vụ trực Tết trên biển năm 2017, chính con tàu CSB 4036 của Tạ đã trực tiếp cứu nạn tàu hàng mang số hiệu Bạch Đằng 06 bị sóng đánh chìm trên khu vực biển cách phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ 7 hải lý. Khi phát hiện một chiếc phao cứu sinh đang trôi dạt trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6. Chẳng quản cái rét buốt lạnh, chính Trần Văn Tạ là người đã cởi trần, buộc dây ngang người, nhảy xuống biển để tiếp cận đưa được 4 người bị nạn lên tàu an toàn. Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4036 đã tổ chức chăm sóc y tế, thuốc men, nhu yếu phẩm, động viên tinh thần các thuyền viên tàu bị nạn và đưa họ về đất liền để kịp đón Xuân cùng gia đình.
Trung úy Phan Kỳ Anh, Chính trị viên tàu CSB 4036 dù tuổi còn trẻ nhưng cũng đã đôi lần được trải qua cảm giác ăn Tết trên biển. Nhớ lại những khoảnh khắc thiêng liêng, khó tả ấy, Hải chia sẻ: “Khi đón Xuân trên biển thực ra trong lòng cũng cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó nhưng không có nghĩa là thiếu thốn tất cả. Chúng tôi cũng đã tạo được không khí của mùa Xuân trên biển. Đêm giao thừa, tàu chúng tôi cũng truyền trực tiếp hình ảnh qua hệ thống Vinasat từ biển về đất liền, được Chỉ huy đơn vị chúc Tết, động viên anh em cán bộ chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao nên ai cũng cảm thấy gần đất liền, gần với người thân hơn.”.
Với những người lính đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên tàu, trực Tết trên biển dường như đã trở nên rất đỗi quen thuộc, nhưng với các chiến sĩ trẻ mới về tàu còn đang bỡ ngỡ thì sự háo hức khi lần đầu tiên được cùng đồng đội đón Tết trên biển được coi như là một sự trải nghiệm thú vị trong quãng đời quân ngũ của mình. Dẫu xa gia đình, xa người yêu nhưng đã xác định trở thành người lính biển thì phải gác lại hết những riêng tư của cá nhân để hoàn thành trọng trách nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Trung sĩ Lương Thế Anh, chiến sĩ điện tàu CSB 8003 cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết trên biển cũng như xa gia đình nên chắc tôi cũng cảm thấy rất nhớ nhà, bỡ ngỡ. Được sự động viên, quan tâm của cán bộ, chỉ huy tàu thì nỗi nhớ nhà cũng sẽ vơi đi phần nào. Tôi sẽ cố gắng để góp phần hoàn thành tốt công việc, giúp đỡ đồng chí đồng đội để hoàn thành quá trình đón Tết trên biển được suôn sẻ hơn”.
Có lẽ đã là người Việt Nam thì ai cũng mong muốn được đoàn viên với gia đình bên mâm cơm ngày Tết. Thế nhưng với người lính, nhất là lính biển thì điều đó không phải Xuân nào cũng làm được. Không ai bảo ai, mỗi người tự động viên mình, vượt qua thử thách để trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Tết ở trên tàu có thể không đầy đủ như ở trên bờ, nhưng có lẽ ngày Tết cổ truyền, chẳng ai tính đến chuyện thiếu thừa bởi được tự tay chuẩn bị đón Tết trên tàu, giữa trên biển quê hương với họ đã là điều đặc biệt. Đón Tết trên biển dẫu thiếu thốn hơn trên đất liền nhưng vẫn đủ đầy hương vị Tết như bánh chưng, thịt mỡ, dưa, hành... và điều đặc biệt mà ở đất liền không có đó là những cây mai, cành đào được chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ trên tàu làm từ cành sú, vẹt đem theo từ đất liền, những bông hoa nhựa hoặc giấy màu, nilon được gắn lên trông y như thật. Giữa biển khơi mênh mông chỉ những cây "đặc biệt" như thế mới có thể chịu được sự rung lắc của từng đợt sóng…
Theo Thượng úy Đồng Đức Trung, thuyền trưởng tàu CSB 2008: “Ngay sau khi nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết Nguyên đán 2023, không chỉ riêng bản thân tôi mà tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều chung cảm xúc đầu tiên đó là cảm xúc nhớ nhà vì phải xa gia đình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều ý thức được rằng, thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trên biển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.".
Những người lính trên những con tàu mang tên Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang sống cùng biển, thức cùng biển, họ luôn cố gắng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trên biển để cho bà con nhân dân nơi đất liền đón một cái Tết 2023 ấm áp, bình an.
Theo Thường - Huệ (TTXVN)/baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/bao-ve-chu-quyen/hien-ngang-giu-bien-mua-xuan-20230122163406944.htm