Năm 2022, Vĩnh Phúc đã hoàn thành tốt mục tiêu giải quyết trên 19.700 lao động được tạo việc làm mới, đưa gần 800 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, đạt 116,1% kế hoạch năm. Kết quả này là một điều đáng mừng cho thấy thị trường lao động đã có những khởi sắc tích cực sau đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất công nghiệp của tỉnh đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất, tuyển nhiều lao động vào làm việc. Vì vậy, để làm tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động.
Đặc biệt, trong năm 2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07 HĐND tỉnh quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tích cực triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Cùng với việc chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, các cấp, ngành chức năng và các địa phương luôn chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin cung - cầu lao động, nhằm kịp thời kết nối thông tin giữa nhà tuyển dụng đến người lao động có nhu cầu việc làm nhanh chóng, thuận tiện; tiếp tục thực hiện chính sách xuất khẩu lao động ra các nước trong khu vực. Đẩy mạnh hỗ trợ người lao động tìm việc làm phù hợp với trình độ, ngành nghề chuyên môn, độ tuổi; hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động, trong đó ưu tiên lao động là người địa phương.
Công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm bền vững cũng được chú trọng với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp. Các cơ sở đào đạo nghề chủ động liên kết hợp tác với các đối tác doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động về lĩnh vực liên kết đào tạo, để tư vấn và giới thiệu, tạo việc làm cho học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao theo đề án của tỉnh nâng cao năng lực nghề, tăng thu nhập cho người lao động.
Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, việc thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao phúc lợi, chất lượng đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng; giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Thu Hoài