Cập nhật: 09/02/2023 16:23:00
Xem cỡ chữ

Với việc triển khai tích cực, quyết liệt nhiều biện pháp, tai nạn giao thông toàn quốc giảm sâu cả 3 tiêu chí so với năm 2019, đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh. Đây là kết quả nổi bật được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 được tổ chức vào sáng 9/2.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị. Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước và các đại biểu dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc. 

Tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022, toàn quốc xảy ra trên 11,4 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 6.400 người, bị thương trên 7.800 người. So sánh với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19, số vụ tai nạn giao thông giảm 35,2%, số người chết giảm 16,3%, số người bị thương giảm 42,81%. Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trên địa bàn cả nước không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Để phấn đấu giảm tai nạn giao thông ít nhất 10% ở cả 3 tiêu chí tại mỗi địa phương và trên toàn quốc, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, các cửa ngõ ra, vào các tỉnh, thành phố lớn, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị, trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, không được ngủ quên trong chiến thắng ban đầu, cần hết sức thận trọng và có giải pháp quyết liệt hơn để kiềm chế tai nạn giao thông.

Trong đó, cần huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Đồng thời, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

Kim Liên