80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) Khởi nguồn và động lực phát triển là chủ đề Hội thảo khoa học cấp quốc gia được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức sáng 27/2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự Hội thảo. Dự tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng.
Đề cương về văn hóa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.
Hội thảo được tổ chức gồm 2 phiên: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật đã khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đồng thời, tập trung tham luận, thảo luận, bổ sung làm rõ những những giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua, đặc biệt là quá trình vận dụng, phát huy giá trị của văn kiện này trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay. Trao đổi, đề xuất những định hướng, sáng kiến nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Nguyễn Toàn