Cập nhật: 03/03/2023 07:28:00
Xem cỡ chữ

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa tiến hành phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ cho một phụ nữ 56 tuổi vì bị chửa trứng. Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị rong kinh nhưng chủ quan không đi khám vì cho rằng đó là dấu hiệu tiền mãn kinh.

Bị rong kinh, tưởng dấu hiệu tiền mãn kinh nhưng không ngờ bị chửa trứng

Trong hai tháng gần đây, chị Nguyễn Thị V. 56 tuổi ở Ba Đình (Hà Nội) có biểu hiện kinh nguyệt không đều, rong kinh. Chị cho rằng đó là dấu hiệu tiền mãn kinh nên chủ quan không đi khám. Mãi sau đó chị mới thử thai và có kết quả 2 vạch.

Khi khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, các bác sĩ đã thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán chị V. bị chửa trứng, lạc nội mạc tử cung, thiếu máu do bị rong kinh. Chị đã được định hành phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi hậu phẫu.

Từ ca bệnh chửa trứng nhưng chủ quan không đi khám vì nghĩ tiền mãn kinh, bác sĩ cảnh báo chị em điều gì? - Ảnh 2.

Hình ảnh chửa trứng (bên trái ảnh).

PGS.TS Lê Thị Anh Đào, Trưởng Khoa phụ ngoại A5, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch.

Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường như: sảy thai, nhiễm trùng, băng huyết, đặc biệt là nguy cơ ung thư tế bào nuôi. Khoảng 25% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thành ung thư.

Ung thư tế bào nuôi là khi mô thai trứng xâm lấn vào trong cơ tử cung, gây nên các hậu quả nghiêm trọng như gây thủng tử cung, chảy máu, xâm lấn ra các tạng xung quanh tử cung trong tiểu khung và ổ bụng hoặc di căn xa hơn.

Trong trường hợp bệnh nhân V. đã lớn tuổi bị chửa trứng, nguy cơ ung thư càng tăng lên, gọi là chửa trứng nguy cơ cao. Vì vậy bệnh nhân cần phải được phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ.

Chị em cần làm gì khi có kinh nguyệt bất thường?

Tuổi mãn kinh trung bình của người phụ nữ bắt đầu từ khoảng 49 tuổi, nhưng dấu hiệu tiền mãn kinh có thể bắt đầu từ 40 tuổi. Giai đoạn tiền mãn kinh xảy ra sẽ sớm hoặc muộn hơn, thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào mỗi cá nhân, có thể trong một năm, có khi kéo dài hai đến bốn năm.

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ thường phải đối mặt với những rối loạn về nội tiết, tâm sinh lý. Sự rối loạn nội tiết tố sẽ kéo theo nhiều rối loạn khác. Đặc điểm chung phổ biến nhất đó chính là sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt và tính chất của kinh nguyệt.

Trong thời kỳ này, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng, dần dần ngưng tiết hai loại hormon estrogen và progesterone. Do sự mất cân bằng các nội tiết tố nữ khiến quá trình rụng trứng diễn ra không đều và gây rối loạn kinh nguyệt.

Bên cạnh những thay đổi về cơ quan sinh dục như: ngực teo nhỏ và chảy xệ, teo, khô vùng âm hộ, âm đạo… người phụ nữ sẽ thấy vòng kinh của mình thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, kinh nguyệt bị rối loạn, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh.

Từ ca bệnh chửa trứng nhưng chủ quan không đi khám vì nghĩ tiền mãn kinh, bác sĩ cảnh báo chị em điều gì? - Ảnh 4.

Chị em nên đi khám khi có dấu hiệu kinh nguyệt bất thường. Ảnh minh họa

PGS.TS Lê Thị Anh Đào khuyến cáo, phụ nữ bị mãn kinh muộn liên quan đến nhiều bệnh phụ khoa, có nguy cơ cao dễ bị những bệnh quá sản niêm mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung hoặc các bệnh lý liên quan đến nội tiết.

Đặc biệt có những trường hợp có thể có thai thì cũng nguy cơ cao là thai bất thường và rất dễ gặp là chửa trứng. Do đó, chị em cần lưu ý, nếu sau 40 tuổi mà kinh nguyệt bất thường thì cần phải đến cơ sở y tế chuyên Sản phụ khoa để khám xác định nguyên nhân. Tuyệt đối không nên chủ quan nghĩ do tiền mãn kinh tự theo dõi tại nhà mà có thể gặp biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Thu Phương/suckhoedoisong.vn

 https://suckhoedoisong.vn/chua-trung-nhung-nghi-tien-man-kinh-khong-di-kham-bac-si-cach-phan-biet-169230301214733648.htm