"Lửa tình cao nguyên" là vở xiếc mới nhất vừa được Liên đoàn Xiếc Việt Nam hoàn thành dàn dựng và ra mắt công chúng theo đặt hàng sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thông qua ngôn ngữ xiếc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác, vở diễn đưa người xem đến với không gian văn hóa thấm đẫm hơi thở núi rừng Tây Nguyên, để thêm yêu, tự hào về sự đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc.
Cảnh trong vở xiếc "Lửa tình cao nguyên
Vở xiếc "Lửa tình cao nguyên" được đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh dàn dựng dựa trên kịch bản của Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh. Với thời lượng hơn một giờ, khán giả như được tham gia vào tua du lịch nghệ thuật đầy kỳ thú để khám phá sắc mầu văn hóa Tây Nguyên với nhà rông, những bức tượng nhà mồ, những màn diễn tấu cồng chiêng, vũ điệu giã gạo dưới đêm trăng, hay những lễ hội văn hóa tín ngưỡng đặc trưng mang đậm bản sắc Tây Nguyên... Ðiều thú vị là những nét đẹp văn hóa dân gian của một vùng đất còn mang nhiều kỳ bí này đã được làm sống dậy qua ngôn ngữ xiếc kết hợp với ca, múa, nhạc, nghệ thuật sắp đặt cùng sự tài tình trong cách tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, mang đến những trải nghiệm vừa mãn nhãn, vừa giàu cảm xúc cho người xem.
Thế mạnh biểu diễn của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có cơ hội được "khoe" ra trọn vẹn cùng những tổ hợp động tác có độ khó cao, giàu tính mạo hiểm như: Nhào lộn, đu dây lụa trên cao; chồng người, thăng bằng trên dây căng cao; tung hứng; lắc vòng lửa; xiếc thú... Ðặc biệt, với "Lửa tình cao nguyên", đạo diễn Nguyễn Ngọc Anh - người từng giành Giải Dàn dựng xuất sắc tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 đã thể hiện được sự tài tình trong xử lý không gian sân khấu khi kết hợp linh hoạt, khéo léo cả sân khấu tròn rộng nhất và các sân khấu nhỏ trên cao phía sau, bên trái và bên phải, từ đó tạo độ sâu, rộng khi tái hiện không gian khoáng đạt, hùng vĩ của Tây Nguyên, cũng như điều hướng sự chú ý liên tục của khán giả ở từng lớp diễn đúng ý đồ dàn dựng.
Nữ đạo diễn chia sẻ, trước khi xây dựng vở diễn, ê-kíp sáng tạo đã dành nhiều thời gian đi tới các tỉnh Tây Nguyên tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng nơi đây để có thể tái hiện chân thực, sống động trên sân khấu. Hơn 50 diễn viên, nghệ sĩ diễn chính trong "Lửa tình cao nguyên" mất hơn hai tháng tập luyện miệt mài mới có thể hoàn thành vở diễn vì phải làm quen, thực hiện những động tác cùng những đạo cụ hoàn toàn mới. Chẳng hạn như động tác đu trên cối giã gạo của ba nữ nghệ sĩ xiếc; hay việc kết hợp động tác với những đạo cụ phụt lửa thật để tạo ấn tượng cho khán giả...
Ðạo diễn Nguyễn Ngọc Anh cho biết, với vở diễn này, ê-kíp sáng tạo mong muốn có thể mở rộng, chinh phục nhiều đối tượng người xem khác nhau, không chỉ là khán giả thiếu nhi mà còn là học sinh những cấp học lớn hơn, không chỉ là khán giả trong nước mà còn thu hút khách quốc tế tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Vì thế, ngôn ngữ vở diễn đã được dụng công đầu tư để đạt độ tinh tế, chỉn chu, với sự đồng hành của những biên đạo múa chuyên nghiệp. Bên cạnh chú ý đến kỹ thuật xiếc, các diễn viên, nghệ sĩ còn được học về cách diễn, vũ đạo, hình thể để ngày càng hoàn thiện hơn các kỹ năng, có thể diễn bằng tất cả nhiệt huyết sáng tạo trên sân khấu và từ đó truyền cảm xúc tới khán giả.
Cảm nhận sau khi xem vở diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam chia sẻ, đã lâu lắm rồi ông mới được xem một vở xiếc mà nghệ sĩ diễn như "lên đồng" như vậy: "Ðây là điểm đáng trân trọng và ghi nhận của ê-kíp sáng tạo khi thổi hồn vào vở diễn, giúp nghệ thuật xiếc và nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa. Với "Lửa tình cao nguyên", Liên đoàn Xiếc Việt Nam càng khẳng định được uy tín và thương hiệu của một đơn vị nghệ thuật quốc gia khi sáng tạo thành công không chỉ về mặt nội dung, hình thức mà ngay cả ở các động tác kỹ thuật trong xiếc".
Khán giả Vũ Minh Trà (30 tuổi ở Ðống Ða, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi vô cùng bất ngờ và tự hào khi chất liệu văn hóa Tây Nguyên được khai thác vừa đặc sắc, vừa hào hùng trong vở diễn. Tôi ấn tượng nhất với những màn biểu diễn cùng khói, lửa của các nghệ sĩ cùng những pha biểu diễn ấn tượng và mạo hiểm đến nghẹt thở, nhất là những màn nhào lộn trên cao. Tôi mong sẽ có thật nhiều người biết đến vở diễn này để tới thưởng thức, thêm yêu văn hóa Việt Nam, yêu nghệ thuật xiếc và trân trọng hơn những vất vả, hy sinh cho lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ"...
Sự đón nhận từ giới chuyên môn và khán giả là bằng chứng khẳng định "Lửa tình cao nguyên" đã tìm được "chìa khóa" để mở cánh cửa đến với công chúng hiện đại, bằng cách trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân tộc, cũng như vận dụng thế mạnh của nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác để làm nổi bật vẻ đẹp của xiếc, mang đến những trải nghiệm nghệ thuật ấn tượng cho người xem. Ðây cũng là hướng đi đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định bằng sự thành công của một số vở diễn lớn gây tiếng vang trước đó như "Sông trăng" từng lưu diễn ở Ðức suốt gần hai năm giai đoạn trước dịch, nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả quốc tế...
Theo Bài và ảnh: TRANG ANH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/dua-khong-gian-van-hoa-tay-nguyen-len-san-khau-xiec-post741636.html