Tổng vụ trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết các cuộc đàm phán COC được nối lại vào ngày 8/3 đang tiến triển và tất cả các bên đều cam kết thúc đẩy đàm phán.
Chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Indonesia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhấn mạnh rằng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) do ASEAN và Trung Quốc soạn thảo phải đảm bảo hiệu lực và thực chất.
Phát biểu họp báo ngày 10/3, Tổng vụ trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia - ông Sidharto R. Suryodipuro cho biết các cuộc đàm phán COC được nối lại vào ngày 8/3 đang tiến triển và tất cả các bên đều cam kết thúc đẩy đàm phán.
Dù không tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày này, nhưng ông Sidharto nhấn mạnh rằng ưu tiên của ASEAN đối với COC là phải có tính khả thi. Nhà ngoại giao này khẳng định: “Chúng tôi không muốn thỏa thuận chỉ đơn thuần là một tập giấy. Do đó, COC cần phải có hiệu lực, thực chất và khả thi."
Ông Sidharto cũng cho hay các bên tham gia đàm phán COC đã nhất trí về mục tiêu đảm bảo Biển Đông là vùng biển hòa bình, thịnh vượng và cho phép tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ các cơ hội tiềm năng của tuyến đường thủy chiến lược này.
Trước đó, ngày 22/2, phát biểu họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi trong chuyến thăm chính thức tới Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định Bắc Kinh ủng hộ đẩy nhanh đàm phán COC. Về phần mình, Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh Indonesia và ASEAN mong muốn xây dựng một COC “hiệu quả, thực chất và khả thi."
Ngày 8/3, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink khẳng định Washington ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đạt được COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta cùng 4 cơ quan truyền thông khác, nhà ngoại giao cấp cao này nhắc lại rằng Washington ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink nhấn mạnh rằng yêu sách của các nước tại Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế.
Tương tự, mọi tranh chấp hoặc tuyên bố chồng lấn tại Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước liên quan thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)./.
Theo Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/indonesia-nhan-manh-yeu-cau-ve-mot-coc-hieu-qua-thuc-chat-va-kha-thi/850510.vnp