Trong giai đoạn thời tiết giao mùa hiện nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số ca mắc thủy đậu tăng cao và diễn biến dịch phức tạp.
Thống kê trong tháng 1 và 2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hà Nội đã ghi nhận hơn 550 ca thuỷ đậu từ đầu năm đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2022 có 4 ca. Số ca bệnh ghi nhận ghi nhận nhiều nhất tại các quận, huyện là Chương Mỹ, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Mỹ Đức... Trong đó số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Bệnh nhân nhỏ tuổi điều trị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng của thủy đậu: “Nếu không tiêm vaccine, một người sẽ mắc thủy đậu một lần trong đời. Nhiều trường hợp đã tiêm vaccine từ rất lâu và có sức đề khám kém cũng có nguy cơ mắc bệnh. Thủy đậu rất dễ lây khi tiếp xúc qua giọt bắn, nhất là trong các không gian hẹp như lớp học mẫu giáo, tiểu học khi trẻ nhỏ chơi đùa, tiếp xúc với nhau. Trẻ em từ 12-18 cần tiêm vaccine phòng bệnh. Trẻ từ 19 tháng đến 13 tuổi chưa tiêm vaccine hay chưa từng mắc thủy đậu cũng cần tiêm vaccine phòng bệnh”.
Thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Trong điều kiện thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Do đó, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bệnh thủy đậu rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi./.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh thủy đậu:
1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
2. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
Theo Thiên Bình/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/nhung-doi-tuong-nao-can-tiem-vaccine-thuy-dau-post1010189.vov