Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã miền núi Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã khai thác làm du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng. Mô hình mới hoạt động không lâu nhưng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Cách thành phố Đông Hà khoảng 130km, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thác Tà Puồng nằm sâu giữa rừng, cách biệt với khu dân cư khoảng 30 phút đi bộ. Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, thác Tà Puồng (hay còn gọi là Trăng Tà Puồng) đổ từ núi cao xuống, mát rượi quanh năm. Bên dưới thác là hồ nước xanh màu ngọc bích, cây cối tươi tốt bao quanh hồ. Xuôi theo dòng chảy của thác là suối Tà Puồng đưa nước về bản cho dân bản sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất nông nghiệp.
Với cảnh quan được thiên nhiên ưu ái ban tặng, năm 2022, một số đồng bào Vân Kiều ở thôn Tà Puồng tập hợp nhau lại thành lập Tổ du lịch cộng đồng để khai thác du lịch. Đến đầu năm 2023, Tổ có quyết định thành lập chính thức. Hiện nay, ngoài 5 thành viên chính thức, Tổ còn có gần 20 người tham gia hoạt động phục vụ du lịch tại thác Tà Puồng, mở ra hướng phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch.
Bên dưới thác là hồ nước xanh màu ngọc bích với cây cối tươi tốt bao quanh.
Anh Hồ Văn Giỏi, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Tà Puồng, xã Hướng Việt cho biết: "Với mong muốn quảng bá cảnh đẹp quê hương và văn hóa truyền thống đến với du khách gần xa, chúng tôi đã lên ý tưởng và triển khai thành lập Tổ du lịch cộng đồng thôn Tà Puồng". Thời gian đầu, vì địa hình đồi núi khó khăn, đường đi lại xa xôi, hiểm trở, việc khai thác điểm du lịch này mất rất nhiều ngày công. Khó khăn nhất trong quá trình hoạt động là mùa mưa, lũ đến cuốn trôi mọi thứ, phải làm lại từ đầu. Vượt qua tất cả, đến nay, thác Tà Puồng đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những người ưa thích phiêu lưu, khám phá.
Những ngày đầu tháng 4, lượng khách đến với thác Tà Puồng đông đúc, nhộn nhịp. Khách chủ yếu đi theo đoàn, đặc biệt vào cuối tuần và những ngày lễ. Sau khi để xe ở bãi, vượt khoảng 30 phút đi bộ đường rừng, du khách sẽ đến với thác Tà Puồng ngắm cảnh, tắm, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi. Giữa những ngày hè nóng nực, được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ chính là điểm nhấn của chuyến du lịch. Bên cạnh đó, khách sẽ được thưởng thức dịch vụ ẩm thực bản địa với các món ăn đặc sản như rau rừng, cá mát, gà nướng, hoa chuối luộc, xôi nếp, rượu cần, cơm lam…
Đồng bào Vân Kiều trong Tổ du lịch cộng đồng Tà Puồng chuẩn bị đồ ăn cho du khách với những món ăn truyền thống.
Anh Lê Phạm Xuân Quý, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ, anh biết đến cảnh đẹp kỳ vĩ của thác Tà Puồng từ những bức ảnh trên báo chí nên rất muốn đến khám phá. Chuyến du lịch đã mang lại cho anh và bạn bè rất nhiều trải nghiệm lý thú khi được hòa mình với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác, núi rừng, được hít thở bầu không khí trong lành, đắm mình trong làn nước mát lạnh, trong vắt của hồ nước và thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào Vân Kiều. Dịch vụ còn đơn sơ nhưng cảm giác trải nghiệm mới mẻ khiến anh và bạn bè rất vui. Chắc chắn, anh sẽ trở lại.
Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cho biết, tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, riêng biệt trong văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Dù mới hoạt động được gần 2 năm, mô hình du lịch cộng đồng tại Tà Puồng có dấu hiệu tích cực. Lượng khách đến tham quan trong mùa Hè rất đông.
Du khách sẽ được thưởng thức dịch vụ ẩm thực bản địa với các món ăn đặc sản của người đồng bào Vân Kiều.
Để mô hình phát triển hiệu quả, sắp tới, địa phương sẽ khởi công các tuyến đường vào thác Tà Puồng và động Klum; đồng thời xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng có định hướng bền vững. Địa phương đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lát, sản phẩm từ mây, tre, dệt vải… phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con.
Theo ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, huyện có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều, sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế còn khó khăn. Việc phát triển sinh kế bền vững cho người dân luôn được ưu tiên hàng đầu. Tận dụng các lợi thế của địa phương như cảnh quan thiên nhiên với các hệ thống hang động, thác, suối; trang phục; ẩm thực; văn hóa… để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi mới, được huyện quan tâm. Địa bàn huyện hiện có Khu du lịch cộng đồng tại thác Chênh Vênh và du lịch cộng đồng tại Trăng Tà Puồng bước đầu khai thác có hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống của người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Theo Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN) - 16/04/2023
https://baotintuc.vn/du-lich/dong-bao-bru-van-kieu-lam-du-lich-cong-dong-20230416075227834.htm