Các nhà khoa học Australia sử dụng phương pháp giải trình tự bộ gene và kỹ thuật di truyền để phân tích cách thức một phân tử ngăn chặn ký sinh trùng gây bệnh sốt rét xâm nhập các tế bào hồng cầu.
Bệnh nhân sốt rét được điều trị tại bệnh viện ở Kaya, Burkina Faso, ngày 13/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nghiên cứu mới, do Viện Burnet của Australia dẫn đầu, đã sử dụng phương pháp giải trình tự bộ gene và kỹ thuật di truyền để phân tích cách thức một phân tử hoặc một hợp chất thuốc đặc biệt ngăn chặn ký sinh trùng Plasmodium Falciparum (P. Falciparum) gây bệnh sốt rét xâm nhập các tế bào hồng cầu.
Đây là kết quả của dự án nghiên cứu do các chuyên gia thuộc các cơ quan của Australia gồm Viện Burnet, WEHI, Đại học Deakin, cùng các đối tác quốc tế thuộc Đại học Oulu (Phần Lan), Đại học Ludwig Maximilian (Đức) và Đại học Bergen (Na Uy) phối hợp thực hiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học khẳng định nghiên cứu mang lại cơ hội và mục tiêu mới cho việc phát triển các loại thuốc thế hệ tiếp theo trong điều trị bệnh sốt rét - căn bệnh đã gây ra hơn 619.000 ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2021, chủ yếu do nhiễm ký sinh trùng P.Falciparum.
Với việc xác định được một hợp chất đóng vai trò là một chất đặc biệt ức chế sự xâm lấn vào tế bào hồng cầu trong một nghiên cứu trước đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật phân tích di truyền ngược để khám phá cách thức hợp chất này bám vào một loại protein, được gọi là actin, mà ký sinh trùng sốt rét sử dụng để phá vỡ các tế bào hồng cầu, nơi chúng phát triển, sinh sản và gây bệnh.
Tiến sỹ Madeline Dans - nghiên cứu sau tiến sỹ tại Viện nghiên cứu y khoa Walter and Eliza Hall (WEHI), tác giả chính - chia sẻ: “Chúng tôi đã chứng minh được hợp chất này ảnh hưởng đến actin của ký sinh trùng theo cách ngăn không cho các ký sinh trùng sử dụng lực cơ sinh học, từ đó ngăn chặn chúng xâm nhập vào tế bào hồng cầu.”
Tiến sỹ Dans nhấn mạnh những gì mà các nhà hóa học ở WEHI có thể làm tiếp theo là tạo ra các loại thuốc có tác dụng mạnh hơn nhiều và điều quan trọng là làm cơ sở để phát triển một loại thuốc mà con người chỉ cần uống một lượng nhỏ.
Trong vai trò giám sát nghiên cứu - Phó Giáo sư Paul Gilson, đồng trưởng Nhóm nghiên cứu Khám phá thuốc và độc tính của bệnh sốt rét tại Viện Burnet - nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phát triển các loại thuốc mới vì tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng đối với các loại thuốc điều trị sốt rét hiện nay trên khắp thế giới.
Ông nêu rõ: “Đối với các loại thuốc điều trị tuyến đầu hiện nay, ký sinh trùng đang trở nên kháng thuốc và điều này thật đáng lo ngại vì các đột biến kháng thuốc đang xuất hiện.”
Trong khi đó, hiện chưa có loại thuốc nào thay thế khi các loại thuốc tuyến đầu mất tác dụng, vì vậy nhóm nghiên cứu cần tiếp tục đưa các hợp chất mới vào quy trình phát triển.
Tiến sỹ Madeline Dans cho biết bước tiếp theo của nghiên cứu là tạo ra một dạng hợp chất mạnh hơn có thể tồn tại đủ lâu trong cơ thể để trở thành một loại thuốc chống sốt rét hiệu quả.
Báo cáo mới nhất về bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các ca sốt rét có xu hướng gia tăng. Vào năm 2021, thế giới ghi nhận 247 triệu ca, tăng so với 245 triệu ca trong năm 2020 và 232 triệu ca trong năm 2019.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLOS Biology vào Ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét (ngày 25/4).
Liên hợp quốc lấy ngày 25/4 là Ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét nhằm thu hút sự quan tâm của người dân trên toàn thế giới đối với nỗ lực đẩy lùi bệnh sốt rét, đồng thời khuyến khích mọi người hành động để giảm thiểu số ca mắc và tử vong do căn bệnh này./.
Theo Lê Đạt (TTXVN/Vietnam+) - 27/04/2023
https://www.vietnamplus.vn/trien-vong-trong-viec-phat-trien-thuoc-dieu-tri-sot-ret-the-he-moi/859346.vnp