Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, TP. Cần Thơ ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Đây là niềm vui lớn đối với bà con làng nghề đã hơn 200 năm nỗ lực lao động, tạo ra những chiếc bánh tráng thơm ngon.
Đến làng bánh tráng Thuận Hưng, ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt sau khi đi hết quãng đường hơn 40km từ trung tâm TP. Cần Thơ, dọc hai bên đường làng cùng với tán cây xanh, những vỉ bánh tráng được các hộ dân phơi đều tăm tắp đã vẽ nên bức tranh thôn quê bình dị, đẹp mắt.
Chưa vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán nên lò bánh tráng của các hộ dân không đỏ lửa thường xuyên, chỉ sản xuất bán cho mối lái và bán lẻ cho người dân sống lân cận, khách tham quan. Dừng chân tại lò bánh tráng Thi Thơ, anh Trần Thanh Tâm, chủ lò bánh chia sẻ, không biết nghề bánh tráng có từ lúc nào, riêng nhà anh đã 3 thế hệ gắn bó với nghề này. Ông bà anh kể, ban đầu chỉ có vài người làm bánh tráng sử dụng vào dịp Tết, nhưng những chiếc bánh thơm, ngon có hương vị đặc trưng đã tạo sức hút với người thưởng thức. Dần dà, người người, nhà nhà bắt tay vào làm, ngót nghét làng nghề ra đời cũng hơn 200 năm.
Làng bánh tráng Thuận Hưng, ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 40km.
Anh Tâm cho biết, hầu hết bánh ở làng nghề được tạo ra từ nguyên liệu chính là gạo và pha bột theo tỉ lệ chuẩn của từng hộ, thêm một chút muối để vị bánh được đậm đà hơn. Ngoài loại bánh tráng truyền thống chỉ pha với ít muối, trải qua thời gian, nhằm phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng, ở Thuận Hưng xuất hiện thêm một số loại bánh là bánh tráng giòn, bánh tráng dừa, bánh tráng ruốc,... Đặc biệt, từ lúc làm nghề cho đến nay, các gia đình sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu mua nguyên liệu, chế biến thô cho đến thành phẩm.
"Mua gạo về ngâm rồi xay luôn thì mới ngon, để cũ bị chua không ngon. Bánh tráng này làm cực vì phải nạo dừa, nước cốt dừa pha tráng bánh, vỏ thì dùng để nướng, rồi xay bột, để bóp bột cho khô… làm 3 - 4 công đoạn, sau đó đem ra lò tráng" - anh Trần Thanh Tâm bày tỏ.
Đặc điểm dễ nhận biết là dọc hai bên đường làng nghề luôn có những vỉ bánh tráng được người dân phơi đều tăm tắp.
Khâu tráng bánh là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Lượng bột để tạo ra một chiếc bánh đong bằng một chiếc gáo nhỏ. Bánh được tráng lên một tấm vải (được cán trên một chiếc nồi), lửa để liu riu, sau tầm 20 - 25 giây là bánh đạt yêu cầu. Đang tráng những chiếc bánh dừa loại đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hòa, làm nhân công cho các lò bánh gần 20 năm cho biết: "Cỡ này làm ít, tháng 11 tới tháng Chạp thì làm suốt luôn, mỗi người làm một việc. Tôi thì tráng vậy phải không, cho dừa nè, mè vô rồi tráng chín. Ăn ướt thì ăn tại chỗ sau khi chín, còn nướng thì phơi khô rồi nướng. Rồi có người bưng vỉ đi phơi, rồi người thì gỡ bánh ra… Bánh này phơi nắng cỡ 2 tiếng đồng hồ mới khô đó vì nó dày".
Sau khi tráng bánh để lên vỉ, người thợ làm bánh sẽ canh nắng để phơi bánh. Lúc phơi người thợ phải canh cho vừa nắng, nắng gắt quá bánh sẽ dễ bị nổ. Bánh được gỡ ra khỏi vỉ, sắp thành từng phần ngay ngắn 10 đến 50 hay 100 cái tuỳ theo yêu cầu và loại bánh.
Các hộ dân nơi đây đã có hơn 200 năm theo nghề, nhiều nhà 3 - 4 thế hệ lưu truyền hương vị bánh tráng quê hương.
Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cho biết, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện có 75 hộ hoạt động thường xuyên, 41 hộ sản xuất theo thời vụ trong dịp tết Nguyên đán. Các hộ chủ yếu sản xuất với dạng lò thủ công tráng bánh bằng lò trấu, có 04 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng công nghệ máy móc tiên tiến.
Điển hình như cơ sở của bà Hà Thị Sáu (đã hơn 30 năm theo nghề), bà đã đầu tư 2 máy tráng bánh chạy điện từ năm 2020. Ngay cạnh lò bà Sáu, lò ông Phan Rang cũng không ngừng cải tiến để nâng cao sản lượng. Ngoài máy tráng bánh, ông còn sử dụng xe đẩy chuyển bánh đi phơi giảm bớt sức người, nhẹ nhân công. Nhờ vậy mà năng suất với lợi nhuận cao hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hòa đã gần 20 năm làm nhân công cho các lò bánh đang lấy bánh tráng từ lò đặt lên vỉ, công đoạn này cũng đòi hỏi sự khéo léo và quen tay.
Để chiếc bánh đến gần hơn nữa với nhiều người, các hộ dân làm lâu năm còn thường xuyên tham gia các Lễ hội ẩm thực trong cả nước. Mới đây nhất, trong Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2023 diễn ra tại Cần Thơ, bà Hà Thị Sáu đã bày một gian hàng và tự tay nướng những chiếc bánh tráng giới thiệu đến khách tham quan.
Theo bà Hà Thị Sáu: "Làng nghề ngày càng phát triển lên, cảm thấy rất vui mừng, một phần nhờ tham gia nhiều lễ hội. Từ năm 2015, năm nay là 2023, năm nào tôi cũng tham gia Lễ hội Bánh và tôi bán bánh càng ngày càng phấn khởi".
Sự nỗ lực của nhiều thế hệ người dân đã làm thay đổi bộ mặt làng nghề, số lượng tiêu thụ và doanh thu không ngừng tăng lên. Chỉ tính năm 2022 nơi đây ước đạt 120 triệu bánh, doanh thu cả năm khoảng 68 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Từ mấy chục hộ lúc ban sơ, hiện Thuận Hưng đã đỏ lửa gần 500 lò bánh, danh tiếng làng nghề được lan truyền rộng rãi, sản phẩm trải khắp các tỉnh/thành cả nước, theo xe sang tận Campuchia và được nhiều người nước ngoài xách tay mang về làm quà tặng người thân.
Sau khi bánh để lên vỉ, người dân sẽ đem bánh ra phơi nắng, theo kinh nghiệm họ sẽ phơi dưới nắng vừa - không quá gắt để bánh khô nhưng không giòn nổ.
Song song đó, làng nghề bánh tránh Thuận Hưng còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với du khách từ khắp mọi nơi và là điểm tìm hiểu văn hóa ẩm thực truyền thống của sinh viên, học sinh trên địa bàn. Em Phan Như Linh, học sinh trường THPT Hòa Hưng, chia sẻ cảm xúc khi đến với làng nghề: "Em đến đây làm bài tập cho môn Địa lý, nói về đời sống sinh hoạt và ẩm thực miền quê. Khi đến đây, em thấy không khí rất ấm cúng. Em ấn tượng nhất là quang cảnh phơi dọc hai bên đường, với lại thấy mọi người làm việc hăng say, nhiệt huyết để tạo ra những chiếc bánh tráng đẹp đẽ. Em cảm nhận nghề này rất là hấp dẫn và không thể nào bị lãng quên được".
“Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ” chính thức được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống. Sự tôn vinh này mang lại cảm xúc hân hoan cho các hộ dân gắn bó lâu năm với nghề, tạo động lực để họ tiếp tục truyền nghề cho thế hệ sau.
Anh Trần Thanh Tâm, chủ lò bánh Thi Thơ khẳng định: "Không có nghỉ bao giờ, hết bánh là cứ tráng, làng nghề từ xưa đến giờ mấy đời rồi, người ta biết người ta lại mua, nhiều người tới lui. Dạo gần đây còn có mấy bạn trẻ lại chụp hình, quay phim, mấy bạn sinh viên đi thực tập cũng lại quay. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một hoạt động có thể giữ gìn truyền thống văn hóa của mình từ xưa giờ".
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện có 75 hộ hoạt động thường xuyên, 41 hộ sản xuất theo thời vụ trong dịp tết Nguyên đán.
Theo bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng là địa điểm đầu tiên của thành phố được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị lịch sử văn hoá lâu đời của nghề làm bánh tráng Thuận Hưng. Thời gian qua, nghề thủ công truyền thống này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Đồng thời, làng nghề cũng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế du lịch nơi đây.
"Thời gian tới, Sở VH -TT&DL sẽ cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị theo từng chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành tiếp tục tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống; đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến người dân cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, để phục vụ cho các hoạt động mang lại lợi ich kinh tế - xã hội, làm sao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề" - Bà Đào Thị Thanh Thúy chia sẻ.
Hầu hết các hộ dân đều tráng bánh tráng bằng lò trấu thủ công, có 4 hộ cũng đầu tư máy tráng bánh bằng điện, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Chiếc bánh tráng Thuận Hưng vẫn ngày ngày đến với người dân trên mọi miền Tổ quốc, hy vọng với nhiều chiến lược phát triển của các sở ngành, khi du lịch gắn với nghề thủ công truyền thống phát triển, sẽ mang lại thu nhập ổn định hơn cho người dân. Từ đó mọi người phấn khởi, an tâm lao động và ra sức gìn giữ, phát huy nghề thủ công truyền thống của địa phương./.
Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL – 3/5/2023
https://vov.vn/van-hoa/lang-nghe-banh-trang-hon-200-nam-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post1017753.vov