Uống trà có thể có lợi cho bệnh nhân tim mạch, nhưng cần phải uống với mức độ và cách thức phù hợp.
Trà là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và polyphenol tự nhiên, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, theo các chuyên gia dinh dưỡng và nghiên cứu thực phẩm, uống trà xanh có thể giảm huyết áp, cholesterol và cải thiện chức năng mạch máu.
Theo bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, trà cũng có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ béo phì, một trong những yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch. Trà cũng là nguồn cung cấp flavonoid chính trong chế độ ăn uống hằng ngày. Những người uống trà đã được chứng minh là có nồng độ flavonoid hấp thụ vào cơ thể cao hơn 20 lần so với những người không uống trà. Hai tách trà không đường hằng ngày có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Uống trà có thể tốt cho bệnh nhân tim mạch nhưng không nên uống quá nhiều (Ảnh: H.D).
Việc uống trà có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các vấn đề tim mạch khác như đột quỵ, đau thắt ngực, đau tim và ngừng tim. Một nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để kiểm tra điểm số vôi hóa động mạch vành. Kết quả chỉ ra rằng những người uống 2 - 3 tách trà hằng ngày có chỉ số vôi hóa mạch vành thấp hơn so với người không bao giờ uống trà.
Bên cạnh lợi ích trên thì người mắc bệnh tim mạch lưu ý nếu uống quá nhiều trà, đặc biệt là trà đen hoặc trà có chứa caffeine, có thể gây tăng huyết áp, gây khó ngủ và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.
Bệnh nhân tim mạch cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu uống trà hoặc bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống của mình.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc uống nhiều nước trà, nhất là trà đặc không có lợi cho sức khỏe. Lý do, hệ thần kinh trung ương, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa và thận luôn luôn bị kích thích ở trạng thái hưng phấn. Đặc biệt, những người bị bệnh tim, tăng huyết áp không nên dùng cà phê và nước chè đặc.
Thời điểm bạn không nên uống trà
Không nên uống trà trong bữa ăn
Một số hợp chất trong trà xanh có thể liên kết với các khoáng chất trong cơ thể bạn và ngăn chặn sự hấp thụ của chúng. Đặc biệt, tannin là hợp chất được tìm thấy trong trà có tác dụng như chất kháng dinh dưỡng và làm giảm sự hấp thụ sắt.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng uống trà trong bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thụ sắt, điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt theo thời gian.
Do đó, tốt nhất bạn không nên uống trà xanh gần các bữa ăn nếu có thể, đặc biệt nếu bạn đang thiếu sắt hoặc các khoáng chất quan trọng khác.
Không uống trước giờ đi ngủ
Một tách (237ml) trà xanh chứa khoảng 35mg caffeine. Mặc dù con số này ít hơn nhiều so với cà phê, nhưng nó vẫn có thể gây ra tác dụng phụ ở những người nhạy cảm với chất kích thích này.
Các tác dụng phụ thường gặp của việc tiêu thụ caffeine bao gồm lo lắng, huyết áp cao, bồn chồn và căng thẳng. Caffeine cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ - ngay cả khi tiêu thụ tới 6 giờ trước khi đi ngủ.
Do đó, nếu bạn nhạy cảm với caffeine, hãy cân nhắc tránh uống trà xanh cách xa giờ đi ngủ (trước 6 giờ) để ngăn ngừa các vấn đề về giấc ngủ.
Theo Hà An/dantri.com.vn – 3/5/2023
https://dantri.com.vn/suc-khoe/uong-tra-loi-hay-hai-cho-trai-tim-20230426161856416.htm