Chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày của ông Kishida sẽ là chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản sau 12 năm, đánh dấu việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 17/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 7/5 đến Hàn Quốc để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk-yeol, đánh dấu việc nối lại toàn diện "ngoại giao con thoi" giữa lãnh đạo hai nước sau 12 năm.
Chuyến thăm Seoul của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Hàn-Nhật đã ấm lên đáng kể sau quyết định hồi tháng Ba của chính phủ Hàn Quốc về việc giải quyết bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng bức lao động trong thời chiến mà không có sự đóng góp của các công ty Nhật Bản.
Chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày 7 và 8/5 của ông Kishida sẽ là chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản sau 12 năm, đánh dấu việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ song phương vốn bị đình trệ lâu nay do các bất đồng về vấn đề quá khứ lịch sử và cũng là để thực hiện thỏa thuận đã thông qua tại hội nghị ở Tokyo hồi tháng Ba vừa qua.
Theo kế hoạch, trong ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Nghĩa trang quốc gia Seoul; hội đàm với Tổng thống Yoon tại Văn phòng tổng thống; tổ chức một cuộc họp báo chung.
Tiếp đó, Thủ tướng Kishida và phu nhân Yuko sẽ dự tiệc tối với Tổng thống Yoon và Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee tại dinh thự chính thức của tổng thống.
Trong ngày 8/5, Thủ tướng Kishida sẽ tổ chức các cuộc họp với các thành viên của Hiệp hội nghị sỹ Hàn Quốc-Nhật Bản; Hội nghị bàn tròn với các chủ tịch tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hội nghị cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo sẽ được tổ chức theo hình thức hội nghị hẹp rồi sau đó mở rộng thành phần.
Nội dung của hội nghị cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào các vấn đề như an ninh, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ cũng như hợp tác về các vấn đề văn hóa và thanh niên.
Vấn đề Triều Tiên cũng sẽ vị trí cao trong chương trình nghị sự trong bối cảnh Hàn Quốc tăng cường hợp tác song phương Hàn-Nhật và 3 bên Hàn-Nhật-Mỹ.
Cuối tháng Tư vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc cũng đã đạt được sự thống nhất với Mỹ về thực hiện các biện pháp "răn đe mở rộng" nhằm bảo vệ Hàn Quốc, bao gồm cả việc sử dụng năng lực vũ khí hạt nhân.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, các vấn đề thương mại và kinh tế cũng có thể sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon.
Hai bên dự kiến sẽ có các cam kết hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ lợi ích chung trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn và pin.
Hai nước cũng đang trong quá trình khôi phục quan hệ thương mai bình thường thông qua việc khôi phục tư cách là đối tác thương mại đáng tin cậy cho nhau.
Dư luận Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ nội dung chuyến thăm của Thủ tướng Kishida. Dư luận trong nước đặc biệt nhạy cảm với thông tin Nhật Bản có kế hoạch xả nước bị ô nhiễm đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Hàn Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ đồng ý tham gia điều tra và giám sát chung về ô nhiễm nguồn nước có sự tham gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Dư luận Hàn Quốc cũng rất chú ý đến việc liệu Thủ tướng Kishida có tái khẳng định quan điểm của các Chính phủ Nhật Bản trước đây để đưa ra lời xin lỗi về giai đoạn đô hộ của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên trong những năm 1910-1945 hay không.
Trong Hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo hồi tháng Ba, ông Kishida tái khẳng định Chính phủ Nhật Bản kế thừa toàn bộ nhận thức lịch sử của các chính phủ trước đây, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua.
Tháng Ba vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thăm Nhật Bản và có cuộc gặp với Thủ tướng Kishida tại thủ đô Tokyo.
Ông Yoon Suk-yeol là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thực hiện chuyến thăm song phương tới Nhật Bản sau 12 năm.
Quan hệ Nhật-Hàn đã xuống cấp nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in do những tranh cãi liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến. Căng thẳng trong quan hệ hai nước đã dần hạ nhiệt khi Hàn Quốc đề xuất giải pháp cho vấn đề này vào đầu tháng Ba.
Lần gần đây nhất một thủ tướng Nhật Bản đến Hàn Quốc là chuyến thăm của cố Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 2/2018./.
Theo Khánh Vân (TTXVN/Vietnam+) - 07/05/2023
https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-nhat-ban-fumio-kishida-tham-chinh-thuc-han-quoc/861116.vnp