Thiết bị do Neuralink phát triển được đưa vào não người thông qua phẫu thuật bằng robot, có thể giải mã hoạt động của não và liên kết thiết bị này với máy tính.
(Nguồn: Neuralink)
Ngày 25/5, công ty khởi nghiệp Neuralink của tỷ phú công nghệ Elon Musk thông báo Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép thử nghiệm cấy thiết bị được công ty này phát triển vào não người.
Thiết bị do Neuralink phát triển được đưa vào não người thông qua phẫu thuật bằng robot, có thể giải mã hoạt động của não và liên kết thiết bị này với máy tính.
Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thử nghiệm thiết bị này trên động vật. Thiết bị có kích thước bằng đồng xu này đã được cấy vào hộp sọ của khỉ.
Trong một buổi thuyết trình, Neuralink đã cho khán giả xem một số con khỉ chơi các trò chơi điện tử cơ bản hay di chuyển con trỏ trên màn hình thông qua thiết bị của Neuralink.
Trong một tuyên bố đăng trên Twitter, Neuralink cho rằng việc FDA cho phép triển khai thử nghiệm nghiên cứu trên ở người là bước đi quan trọng để công nghệ của Neuralink có thể giúp đỡ nhiều người.
Neuralink không công bố cụ thể các mục tiêu của nghiên cứu, đồng thời cho biết công ty chưa tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Tỷ phú Elon Musk đã đăng lại tuyên bố trên, đồng thời cho rằng việc cấy thiết bị do Neuralink phát triển vào não bộ người có thể giúp chữa khỏi nhiều căn bệnh, trong đó có béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt.
FDA chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Theo hãng tin Reuters, đầu năm 2022, Neuralink đã đệ trình hồ sơ xin FDA cấp phép thử nghiệm thiết bị trên ở người, song đã bị từ chối.
FDA đã chỉ ra một số lo ngại cần được giải quyết trước khi cho phép thử nghiệm trên người, trong đó có pin lithium của thiết bị, khả năng hệ thống dây di chuyển trong não khi cấy thiết bị, cũng như việc đưa thiết bị này ra khỏi não an toàn mà không ảnh hưởng đến mô não.
Hiện một số công ty cũng đang tiến hành các nghiên cứu tương tự trong đó có công ty Sychron. Tháng 7/2022, Synchron cho biết đã cấy thiết bị giao diện máy tính - não vào 1 bệnh nhân ở Mỹ.
Cụ thể, công ty khởi nghiệp này đã cấy một thiết bị 1,5 inch (khoảng 3,81cm) vào não của một bệnh nhân mắc hội chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) tại trung tâm y tế Mount Sinai West ở New York.
Mục đích cấy thiết bị này nhằm cho phép bệnh nhân giao tiếp - ngay cả khi họ đã mất khả năng vận động - bằng cách sử dụng suy nghĩ để gửi email và tin nhắn./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 26/05/2023
https://www.vietnamplus.vn/fda-my-cap-phep-cho-thu-nghiem-cay-thiet-bi-vao-nao-nguoi/864707.vnp