Cập nhật: 29/05/2023 16:10:00
Xem cỡ chữ

Ngày 29/5, phiên thảo luận của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được đông đảo cử tri Thủ đô quan tâm, theo dõi.

Chú thích ảnh

Quang cảnh phiên họp sáng 29/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cử tri Nguyễn Duy Thắng, cán bộ hưu trí quận Cầu Giấy bày tỏ, thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hàng loạt vụ án liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống COVID-19 bị khởi tố cho thấy tính phức tạp của vấn đề. Đây là điều nhiều cử tri trong cả nước băn khoăn, lo lắng. Chính vì vậy, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã giải đáp đúng, trúng những vấn đề cử tri Thủ đô cũng như cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, qua đó giúp đại biểu, cử tri có thông tin khách quan, toàn diện về bức tranh chung trong công tác phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam.

Từ khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống COVID-19, việc Đoàn giám sát của Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá, theo cử tri Nguyễn Duy Thắng, đây là những vấn đề  rất cần thiết cho hoạt động chống dịch trong tương lai. Do đó Quốc hội cần đề nghị Chính phủ sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật sắp tới.

Cử tri Nguyễn Quốc Huy, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, địa phương vốn là điểm nóng của COVID-19 nên ông đặc biệt quan tâm, theo dõi nội dung chuyên đề giám sát này của Đoàn giám sát của Quốc hội. Chứng kiến sự vất cả của cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là cán bộ, nhân viên trạm y tế phường trong công tác chống COVID-19, cử tri Nguyễn Quốc Huy tán thành ý kiến của đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) là cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cơ sở để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở, giúp họ có thể đảm đương nhiệm vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

“Y tế cơ sở là xương sống” của hệ thống y tế nhưng tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh chưa đến 15% cho thấy đang tồn tại những bất hợp lý cần xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục”, cử tri Nguyễn Quốc Huy phân tích.

Liên quan đến khó khăn, hạn chế của hệ thống y tế dự phòng, bà Nguyễn Thị Bích Hường (Tổ chức Lao động Quốc tế ILO) cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế dự phòng hiện nay ở Việt Nam còn thấp, chưa đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine giảm liên tiếp từ 94,8% năm 2018 xuống còn 80,4% năm 2022. Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ), bà Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng cần đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng để hệ thống này có thể đảm nhận nhiệm vụ phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

"Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ để công bố hết dịch COVID-19, đây là tin mừng. Tuy nhiên, từ những mất mát to lớn và hệ lụy COVID-19 gây ra cho Việt Nam cũng như thế giới cần nghiêm túc nhìn nhận lại, rút ra bài học, sẵn sàng đối phó với đại dịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai", bà Nguyễn Thị Bích Hường nêu ý kiến.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, để công tác y tế dự phòng đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả cần đảm bảo cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành Y tế theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Trong đó đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và Chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng để y tế dự phòng đáp ứng nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo tinh thần y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.

Theo Tuyết Mai (TTXVN) - 29/05/2023

https://baotintuc.vn/thoi-su/y-kien-cu-tri-can-dau-tu-thoa-dang-cho-y-te-co-so-va-y-te-du-phong-20230529151115900.htm