Ninh Thuận là nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống nhất cả nước. Không gian văn hóa Chăm từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu trong phát triển du lịch của tỉnh Ninh Thuận. Các di sản từ đền tháp, lễ hội truyền thống và các làng nghề làm gốm, dệt thổ cẩm của người Chăm nếu được kết nối, khai thác hiệu quả sẽ là sản phẩm du lịch, tạo sinh kế cho người dân.
Chị Hán Thị Kim Sương ở làng Chăm Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cảm thấy rất thích thú khi lần đầu tiên được tham gia tập huấn với chủ đề khai thác di sản văn hóa Chăm để phát triển bền vững với sự tham gia của cộng đồng, do Hội đồng Anh phối hợp với Trung tâm văn hóa Chăm Ninh Thuận tổ chức. Lớp học có 35 thành viên, đến từ làng nghề gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và các địa phương có di tích tháp Chăm.
Chị Hán Thị Kim Sương chia sẻ: "Thời gian qua khi được tập huấn tôi thấy rất là bổ ích, để mình có kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng dựa vào văn hóa Chăm. Ở làng tôi có tháp Pôrôme, do đó, bản thân mình cũng quảng bá để khách tham quan tháp Pôrôme, để du khách có sự trải nghiệm về phát triển du lịch ở tỉnh mình".
Ban du lịch cộng đồng Làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước đang trình diễn quy trình làm gốm Chăm cho du khách.
Không chỉ được hướng dẫn các kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng, các học viên còn được tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống Chăm, hát dân ca, các điệu múa Chăm, cách người dân làng nghề tạo ra một sản phẩm gốm, một tấm vải thổ cẩm. Tất cả các nội dung tập huấn đều nhằm mục đích giúp người dân khai thác hiệu quả di sản để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Với hệ thống các tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, cùng với các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm và các làng nghề truyền thống như làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc, nếu được khai thác tốt sẽ là những điểm đến rất hấp dẫn, để Ninh Thuận khai thác các di sản văn hóa Chăm phát triển du lịch cộng đồng.
Về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đạt hiệu quả, chị Phạm Thu Nga từ Hội đồng Anh cho biết: “Cùng với sự tham gia của cộng đồng thì chúng tôi tin tưởng địa phương sẽ tiếp tục phát huy được các giá trị truyền thống, cũng như triển khai được các hoạt động đa dạng vừa bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa, lại vừa hỗ trợ cộng đồng tại địa phương phát triển kinh tế dựa trên di sản văn hóa của địa phương mình”.
Hiện các điểm đến như làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt Mỹ Nghiệp bình quân mỗi ngày có hơn 300 khách đến tham quan. Riêng tháp Pô Klong Girai, mỗi năm thu hút khoảng 120.000 khách du lịch. Đến Ninh Thuận, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Chăm với nhiều nghi lễ truyền thống và tham gia các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người Chăm Ninh Thuận. Tại làng gốm Bàu Trúc, bên cạnh kiểu chế tác gốm không bàn xoay thì việc lấy đất sét làm gốm và kỹ thuật nung lộ thiên cũng hết sức độc đáo khiến du khách thích thú. Khi đến làng gốm Bàu Trúc, với việc trực tiếp trải nghiệm cách làm gốm cùng các nghệ nhân, du khách là người giúp quảng bá sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đến với mọi miền đất nước.
Anh Siêu H Riêng - một du khách ở tỉnh Gia Lai nói: “Trong thời gian đi tham quan tại làng nghề gốm Bàu Trúc, tôi phát hiện ra rất nhiều tài sản là nguồn lực để phát triển thành du lịch cộng đồng. Một trong những tài sản lớn nhất là gốm Bàu Trúc. Khi gốm Bàu Trúc được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì đấy là một nguồn lực rất lớn nếu cộng đồng Chăm ở làng Bàu Trúc có thể kết nối với các cộng đồng khác hoặc các nghệ nhân kết hợp với văn hóa ca múa nhạc để phát triển du lịch cộng đồng Bàu Trúc”.
Từ hai năm nay, tại làng gốm Bàu Trúc đã thành lập Ban du lịch cộng đồng với đầy đủ các tổ chuyên môn như tổ đón tiếp khách, tổ ẩm thực, tổ làm gốm, tổ văn nghệ… Nhờ hoạt động chuyên nghiệp mà Ban du lịch cộng đồng Bàu Trúc không chỉ phục vụ cho du khách đến tham quan tại làng nghề mà còn được mời đi biểu diễn, quảng bá sản phẩm gốm Chăm nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay, các thành viên trong Ban du lịch cộng đồng Bàu Trúc đang luyện tập văn nghệ để giới thiệu nhiều nét văn hóa đặc trưng, biểu diễn nghề gốm truyền thống và ẩm thực Chăm cho du khách tham quan tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ban du lịch cộng đồng Làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước biểu diễn các tiết mục văn nghệ của dân tộc Chăm cho du khách.
Chị Đàng Thị Ngọc Ngà, khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận cho biết: "Từ ngày Ban du lịch cộng đồng làng Bàu Trúc được thành lập, chúng tôi được hướng dẫn, tập huấn cách làm du lịch cộng đồng, làm sao để du khách thích thú, đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa Chăm. Từ đó, giới thiệu du khách trong và ngoài nước biết nhiều bản sắc văn hóa của người Chăm".
Khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, du lịch dựa vào di sản còn giúp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận.
Cùng với các sản phẩm du lịch hiện có ở Ninh Thuận, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa Chăm đã trở thành một phần không thể thiếu đối với du khách trong hành trình đến với tỉnh Ninh Thuận. Di sản văn hóa Chăm nếu được kết nối không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn giúp các làng nghề phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay./.
Theo CTV Minh Triều/VOV-TP.HCM - 25/05/2023
https://vov.vn/du-lich/ket-noi-di-san-de-phat-trien-du-lich-vung-dong-bao-cham-post1022118.vov