Cập nhật: 23/06/2023 08:09:00
Xem cỡ chữ

Bệnh gan nhiễm mỡ thường xảy ra ở người từ độ tuổi trung niên trở lên, nhưng nhiều trẻ nhỏ cũng có thể mắc phải căn bệnh này, khiến cho các cha mẹ rất lo lắng.

Hầu hết các trường hợp bị gan nhiễm mỡ không có triệu chứng và chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ. Vậy với trẻ khi nào cần phải khám sàng lọc căn bệnh này là câu hỏi được nhiều cha mẹ băn khoăn?

Ở trẻ em, bệnh gan nhiễm mỡ còn được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là tình trạng chất béo dư thừa được lưu trữ trong gan. Sự tích tụ chất béo này không phải do sử dụng nhiều rượu.

Thông thường, lượng mỡ trong gan ở người bình thường là rất thấp, khoảng từ 2 – 4% trọng lượng của gan. Khi lượng mỡ trong gan chiếm đến 5 - 10% trọng lượng của gan thì người bệnh sẽ bị gan nhiễm mỡ.

Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ, nhưng ở trẻ em bệnh thường do các yếu tố sau:

– Do di truyền

Nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền có tác động rất lớn đến những tổn thương ở gan. Trong đó, cơ thể của những trẻ bị bệnh gan nhiễm mỡ có một vài gen nhạy cảm có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ. Điều này thường thấy ở những cặp song sinh bị gan nhiễm mỡ chuyển hóa hoặc trẻ em béo phì có cha mẹ bị béo phì hoặc gan nhiễm mỡ. Theo các nhà nghiên cứu, một số gen nhất định cũng có thể làm tăng cơ hội phát triển gan nhiễm mỡ của trẻ. Những gen này có thể giải thích tại sao gan nhiễm mỡ phổ biến hơn ở trẻ em người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Á hơn trẻ em người Mỹ da đen hoặc người Mỹ gốc Phi.

– Tình trạng thừa cân, béo phì

Đây là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ được ghi nhận nhiều nhất, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở trẻ em đều xuất phát từ trạng thái thừa cân hay béo phì của trẻ. Đặc biệt là những trẻ đang trong thời kỳ phát triển và tăng trưởng mạnh nhất, giai đoạn này cũng là giai đoạn mỡ phát triển nhanh nhất.

Nếu như không có sự chăm sóc thích hợp về chế độ ăn uống, dinh dưỡng... thì trẻ rất dễ bị thừa cân, béo phì, từ đó sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, nếu trẻ có thói quen ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, đường hoặc chất bảo quản thì rất dễ bị gan nhiễm mỡ chuyển hóa.

– Trẻ mắc một số bệnh lý mạn tính

Một số trẻ mắc bệnh lý mạn tính về chuyển hóa như: Lao phổi; viêm xương tủy; thiếu máu trầm trọng; tiêu chảy mạn tính; tiểu đường… cũng là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ ở trẻ.

Khi mắc những bệnh lý này sẽ làm trẻ chán ăn, ăn uống thất thường, sụt cân đột ngột, lượng năng lượng cung cấp cho cơ thể không đủ để thỏa mãn nhu cầu... Lúc này mỡ toàn thân sẽ bị kích thích và bắt đầu phân giải thành acid béo, rồi vận chuyển chúng đến gan.

Tuy nhiên, gan lại không thể chuyển hết lượng acid béo này thành năng lượng được, nên phần mỡ dư thừa sẽ bị lắng đọng gây ra gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, nếu trẻ mắc bệnh phải dùng thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng mắc phải căn bệnh này. Một số loại thuốc có chứa độc tố như carbon tetraclorid, phosphor, tetracyclin… có thể tồn đọng lại trong các tế bào gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.

Khi nào cần khám sàng lọc bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ? - Ảnh 2.

Hầu hết các trường hợp bị gan nhiễm mỡ không có triệu chứng và chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ. Ảnh minh hoạ.

Khi nào cần cho trẻ khám sàng lọc bệnh gan nhiễm mỡ?

Do triệu chứng của gan nhiễm mỡ rất khó để phát hiện, thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Khi có một số dấu hiệu nổi bật sau, cần cho trẻ đi khám bác sĩ kịp thời:

- Trẻ béo phì có cân nặng của trẻ vượt quá 20% mức độ tiêu chuẩn, lúc này trẻ đã bị thừa cân, béo phì và có nhiều khả năng sẽ bị gan nhiễm mỡ.

- Trẻ thường xuyên có biểu hiện khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi, sụt cân…

Thông thường cha mẹ cũng không theo dõi thường xuyên được tình trạng của trẻ.

Chính vì lẽ đó các khuyến cáo cho thấy, cha mẹ nên bắt đầu sàng lọc từ 9 - 11 tuổi cho tất cả trẻ béo phì và cho trẻ thừa cân có yếu tố nguy cơ, cụ thể: Rối loạn phân bố mỡ thể trung tâm, kháng insulin; Đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường; Rối loạn lipid máu; Ngừng thở khi ngủ; Tiền sử gia đình gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Cần sàng lọc sớm hơn nếu trẻ có yếu tố nguy cơ như béo phì nặng, tiền sử gia đình bị NAFLD/NASH, suy tuyến yên…

- Xét nghiệm bằng phương pháp sàng lọc được đánh giá tốt nhất là ALT.

Nếu chỉ số ALT tăng trên 2 lần ULN, kéo dài > 3 tháng nên được sàng lọc NAFLD hoặc bệnh viêm gan mạn khác. Siêu âm không phải là biện pháp sàng lọc thường quy do độ nhạy và đặc hiệu của nó không cao.

– Sàng lọc sau đó. Nếu lần đầu bình thường, kiểm tra lại ALT mỗi 2 - 3 năm nếu vẫn còn các yếu tố nguy cơ.

Sàng lọc nhắc lại sớm hơn nếu tăng các yếu tố nguy cơ lâm sàng của NALFD về số lượng hoặc về mức độ nặng.

Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ 

Để xác định chẩn đoán gan nhiễm mỡ cho trẻ, các bác sĩ sẽ căn cứ vào:

- Kết quả xét nghiệm máu: Cho thấy tăng các men gan, và để kiểm tra xem trẻ có các tình trạng sức khỏe khác có thể làm tăng nồng độ men gan hay không.

- Kết quả chẩn đoán hình ảnh: Có thể cho thấy dấu hiệu của các vấn đề về gan khác hoặc có thể gợi ý rằng có chất béo trong gan. Xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng là siêu âm, siêu âm đàn hồi, chụp cộng hưởng từ.

- Kết quả sinh thiết gan: Đây là xét nghiệm duy nhất có thể chứng minh chẩn đoán và cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Vì vậy, các biểu hiện lâm sàng chưa thể xác định trẻ có mắc bệnh gan nhiễm mỡ hay không, mà còn phụ thuộc vào các chỉ số xét nghiệm, khám sàng lọc. Nếu cha mẹ nghi ngờ con mình có các triệu chứng bất thường về bệnh lý gan mật, hãy đưa các trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa gan mật để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Theo BS. Bùi Văn Lâm/suckhoedoisong.vn - 22/06/2023  

 https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-can-kham-sang-loc-benh-gan-nhiem-mo-o-tre-169230620102321295.htm