Cập nhật: 14/07/2023 15:34:00
Xem cỡ chữ

Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - khai khi tìm hiểu thấy tội “nhận hối lộ” có thể bị phạt tới mức án cao nhất là tử hình, bị cáo rất ám ảnh, chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực.

Cuu Thu ky Thu truong Y te: Bi cao am anh muc an tu hinh chi muon chet hinh anh 1

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 14/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần luật sư thẩm vấn các bị cáo.

Khai tại tòa, nhóm bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ đã phủ nhận việc gợi ý, ép các doanh nghiệp phải đưa tiền hối lộ mới được cấp phép các chuyến bay, cấp phép thực hiện chủ trương cách ly tại địa phương.

Về quy trình cấp phép chuyến bay, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nói hồ sơ xin cấp phép gửi về Bộ Y tế sẽ chuyển cho Cục Y tế dự phòng tham mưu, sau đó đề xuất lên lãnh đạo Bộ Y tế thông qua Kiên làm đầu mối.

Kiên chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển lên lãnh đạo xét duyệt, sau đó chuyển lại cho các phòng chức năng, chứ không có nhiệm vụ "chấp nhận hay từ chối."

Theo cáo trạng, Phạm Trung Kiên bị buộc tội 253 lần nhận 42,6 tỷ đồng của các cá nhân, doanh nghiệp. Kiên nhận 13 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tiền chuyển qua tài khoản của bị cáo và mẹ vợ.

Phạm Trung Kiên thừa nhận cáo buộc về số tiền nhưng phủ nhận lời khai của các doanh nghiệp cho rằng Kiên đe dọa, bắt đưa tiền mới thực hiện các thủ tục đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay giải cứu. Kiên nói không yêu cầu doanh nghiệp nào đưa tiền mà đều do họ chủ động liên hệ nhờ giúp đỡ và gửi tiền cảm ơn.

Một số doanh nghiệp đã khai, Phạm Trung Kiên không đòi hỏi, việc chuyển tiền là tự nguyện. Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đều khai mức tiền chuyển là do bị cáo tự chuyển, Kiên không yêu cầu cụ thể con số nào.

Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn G19 Việt Nam) khai bị cáo tự chủ động đưa tiền cảm ơn Kiên. Kiên nhận tiền và nhẹ nhàng nói “như thế này có lẽ không đủ, chị ạ” mà không đòi hỏi chuyển số tiền cụ thể là bao nhiêu.

Sau đó, Hạnh tiếp tục chuyển thêm cho Kiên 200 triệu đồng với tâm thế cảm ơn, chia sẻ thành công của mình, các doanh nghiệp khác có quà, mình cũng nên có quà.

Theo bị cáo Hạnh, việc cảm ơn này là giữ mối quan hệ để tiếp tục xin cấp phép các chuyến bay tiếp theo. Theo cáo buộc, bị cáo Hạnh đã đưa hối hộ 10 lần với tổng số 3,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Công ty Vijasun) cáo buộc Phạm Trung Kiên đã có thái độ đe dọa, đòi tiền của doanh nghiệp. Dương khai "nhớ từng chi tiết" Kiên đã quát lớn Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky), yêu cầu phải đưa tiền 150 triệu đồng/chuyến bay.

Tương tự Phạm Trung Kiên, Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an), Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải)… cũng khai không tham gia thỏa thuận, không sách nhiễu, không đòi doanh nghiệp phải đưa tiền mới thực hiện thủ tục cấp phép các chuyến bay giải cứu.

Cuu Thu ky Thu truong Y te: Bi cao am anh muc an tu hinh chi muon chet hinh anh 2

Bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/) TTXVN

Trần Văn Dự còn khai khi thấy có dư luận về việc cán bộ tại Cục Xuất Nhập cảnh cầm tiền của doanh nghiệp, Dự đã yêu cầu cán bộ cấp dưới phải trả lại tiền và phải báo cáo về việc trả lại tiền.

Tại tòa, Phạm Trung Kiên khai khi tìm hiểu thấy tội “nhận hối lộ” có thể bị phạt tới mức án cao nhất là tử hình, bị cáo rất ám ảnh, chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực. Sau đó, Kiên đã phải nhập viện một thời gian để điều trị “dấu hiệu tâm thần.”

Kiên thừa nhận hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng mong được Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật./.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:

21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”

23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."

4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."

1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+) -  14/07/2023

https://www.vietnamplus.vn/cuu-thu-ky-thu-truong-y-te-bi-cao-am-anh-muc-an-tu-hinh-chi-muon-chet/875018.vnp