Với mong muốn Làng văn hóa kiểu mẫu thực sự là điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương, bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, các địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất thế mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, đặc trưng.
Thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu năm 2023. Bám sát Bộ tiêu chí và Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030, xã Quang Yên đã rà soát và lựa chọn một số mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, xã Quang Yên tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, mặt hàng thuốc lam mang tên “Thảo mộc bà Lợi” của gia đình anh Cao và chị Trang được lựa chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để sản phẩm khẳng định được thương hiệu, mở rộng lượng thị trường và tạo được sự tin cậy đối với khách hàng, hướng tới là sản phẩm đặc trưng của làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Dong, gia đình anh Cao và chị Trang đã được hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP theo chương trình hỗ trợ của tỉnh.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở phát triển các mô hình kinh tế, phát huy những giá trị của mặt hàng truyền thống kết hợp với phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương bảo tồn và nâng tầm thương hiệu truyền thống; giới thiệu, quảng bá các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tới du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi./.
Hồng Nụ