Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, lụt gây ra, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh dưới đây.
Dưới đây là những điều cần ghi nhớ để an toàn cho người thân và bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong gia đình, cộng đồng khi bão về.
3 ghi nhớ đối với phòng tránh, xử trí khi có bão
1. Phòng tránh trước khi bão xảy ra
- Phải thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.
- Cần dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men cơ bản như: Tiêu chảy, hạ sốt, cảm cúm,…, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày.
Mùa mưa bão cần gia cố nhà chuẩn bị các biện pháp khi có bão.
- Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước. Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ).
- Cần chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu y tế gia đình, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
2. Khi xảy ra bão cần chú ý
- Cần đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…Tuyệt đối, không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.
- Khi có bão nên ở trong nhà, nơi trú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào. Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
- Cần đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm. Cần nghe thông tin từ chính quyền địa phương, báo đài nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
3. Sau khi xảy ra bão
Cần chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Chú ý trẻ em, không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước. Cần tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.
Cần chú ý thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó.
3 ghi nhớ đối với phòng tránh xử trí khi lũ lụt
1. Cách phòng tránh trước khi xảy ra lũ, lụt
- Cần chú ý thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó. Cần chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.
- Cần có phương pháp bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.
- Xem xét ổ điện, cầu chì, các thiết bị liên quan đến điện nếu thấp phải có phương án di chuyển đến chỗ cao hơn phòng có lũ lụt.
- Cần kiểm tra, tài sản có giá trị, có phương án đề phòng lũ vào ban đêm. … nhằm chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
2. Khi có lũ, lụt xảy ra cần chú ý những điều sau
Theo dõi cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường đi, cầu và các khu vực trũng thấp. Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Cần tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút. Nếu được chính quyền địa phương yêu cầu cần lập tức di tản đến khu vực trú ẩn an toàn có nền đất cao hơn.
- Không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết. Nơi ở cần đề phòng rắn ở những vùng ngập nước. Khi tìm kiếm đồ vật không sử dụng nến, đuốc.. để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ, hãy sử dụng đèn pin.
Cần theo dõi, cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình mưa lũ thông qua tivi, báo, đài phát thanh…hãy đề phòng lũ quét tiềm ẩn.
3. Những việc cần làm sau khi xảy ra lũ, lụt
Thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để trẻ em nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.
Chú ý, không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Sử dụng nước từ các nguồn an toàn ( ví dụ như nước đóng chai) cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm (đun sôi, khử trùng hoặc chưng cất làm sạch nước).
Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.
Khi có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, đau mắt đỏ hay bất kỳ những biểu hiện bất thường về sức khỏe hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và cần thông báo với nhân viên y tế cơ sở, y tế thôn bản nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau mưa lũ có thể xảy ra.
Theo BS. Nguyễn Quốc Hùng/suckhoedoisong.vn - 07/08/2023
https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-ghi-nho-mua-bao-lu-de-an-toan-va-bao-ve-suc-khoe-ai-cung-can-biet-169230807080550123.htm