Cột kinh Phật làm bằng đá xanh nguyên khối nặng 4,5 tấn, trải qua hơn 1.000 năm vẫn trường tồn với thời gian.
Nằm trong quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), chùa cổ Nhất Trụ được xây dựng từ thế kỷ thứ X. Chùa có tên Nhất Trụ là do trước chùa có một cột kinh Phật (Kinh Lăng Nghiêm) bằng đá xanh nguyên khối niên đại khoảng 300 triệu năm.
Theo ghi chép, cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành-Lê Hoàn (941-1005) cho dựng năm 995. Trên cột đá còn ghi nhận các chữ “Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế đã tạo” (Hoàng đế Thăng Bình tức vua Lê Hoàn).
Chùa cổ Nhất Trụ được xây dựng từ thế kỷ thứ X
Cột kinh Phật được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. Cột cao 4,16m, nặng 4,5 tấn, có 8 mặt. Cột có 6 bộ phận đều được làm bằng đá và lắp ghép lại với nhau bằng ngõng (khớp nối thủ công) dựng thẳng đứng trên mặt đất gồm: tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen.
Thân cột hình bát giác làm bằng đá xanh nguyên khối trên to dưới nhỏ và cao 2,37m. Hai đầu thân cột đều có ngõng cắm vào đế và thớt bát giác. 8 mặt của thân bát giác được mài nhẵn, khắc khoảng 2.500 chữ Hán.
Chùa có tên Nhất Trụ bởi trước chùa có cột kinh Phật được bảo vệ bởi lầu Nghinh Phong
Cột kinh được làm bằng đá xanh nguyên khối cao 4,16m, nặng 4,5 tấn
Du khách đến tham quan ngôi chùa
Trải qua hơn nghìn năm nhiều chữ đã mờ khiến cho văn tự không còn đọc được nguyên vẹn, các chữ còn đọc được và nhận dạng chỉ khoảng 1.200 chữ.
Các mặt của thân trụ được khắc Kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ ngợi ca đức hạnh, tài năng của đức Phật, cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh.
Người dân làng Yên Thành cho biết, xưa kia cột kinh được đặt ngoài trời. Để tránh ảnh hưởng của thời tiết đến hoa văn, chữ Hán trên thạch trụ, một lầu Nghinh Phong được xây dựng kiên cố với 16 cột gỗ lim để bảo vệ cột kinh. Lầu được dựng theo kiến trúc mái cong truyền thống như các ngôi đình, chùa cổ ở Việt Nam.
Thân cột hình bát giác dài 2,37m, đường kính dưới 61-62cm, trên 65cm, các mặt bát giác rộng 25-30cm
Đế tròn đỡ cột kinh trên to dưới nhỏ với đường kính dưới 66cm, trên 76cm và dày 32,5cm
Phía trên cột kinh dùng các ngõng để khớp nối thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen lại với nhau
Hiện nay nhiều chữ khắc trên cột kinh đã bị mờ, không còn đọc được
Cột kinh Phật là hiện vật độc bản, có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, thể hiện tinh hoa nghệ thuật chạm khắc chữ, chế tác đá của ông cha ta thời xưa và có giá trị to lớn về lịch sử văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Giang (du khách) cho biết “Tôi thực sự khâm phục các bậc cha ông xưa đã dùng những công cụ thô sơ để chạm khắc chữ vào đá, chế tác đá, trang trí họa tiết tinh tế... trên cột kinh Phật”.
Cũng theo ông Giang, trải qua bao thăng trầm cột kinh vẫn trường tồn với thời gian. Đây là bảo vật mà cha ông truyền lại cho con cháu đời sau cả về giá trị lịch sử và văn hóa.
Hiện nay, mỗi ngày chùa Nhất Trụ đón lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương.
Được biết, từ khi cột kinh Phật được dựng lên đến thời điểm hiện tại cột vẫn nằm nguyên ở vị trí ban đầu và cột kinh cũng là bảo vật quốc gia được công nhận đầu tiên của Ninh Bình.
Theo Trần Nghị/vietnamnet.vn - 20/08/2023
https://vietnamnet.vn/ngam-bao-vat-cot-kinh-phat-bang-da-xanh-hon-nghin-nam-tuoi-o-ninh-binh-2177778.html