Cập nhật: 08/10/2023 13:31:00
Xem cỡ chữ

Xuất hiện những cơn đau đầu và tăng huyết áp, bé trai được gia đình đưa đi khám thì phát hiện chức năng thận chỉ còn 37%, nguy cơ hư hoàn toàn thận phải.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tường Vy, phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, vừa qua, đơn vị đã tiến hành phẫu thuật ghép thận tự thân cho một bệnh nhi, dưới sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhi là bé H.T.T. (7 tuổi). Khai thác bệnh sử, từ tháng 12/2022, bé trai bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu, nên được gia đình đưa đi khám và phát hiện tăng huyết áp (chỉ số huyết áp cao nhất ghi nhận là 170/80 mmHg).

Tiến hành xạ hình thận, các bác sĩ phát hiện chức năng thận của bệnh nhi còn 37%.

Cháu bé được thực hiện nong động mạch thận lần 1 nhưng thất bại, được điều trị nội khoa. Cách đây 5 tháng, bệnh nhi được giới thiệu đến khám tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây khi kiểm tra, bé trai được phát hiện tình trạng hẹp khít động mạch thận bên phải trên siêu âm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp kéo dài cần phải can thiệp kịp thời, nếu không có thể dẫn đến hư hoàn toàn thận phải.

Bệnh nhân tiếp tục được tiến hành chụp mạch máu thận, với hy vọng có thể can thiệp nong mạch máu nếu thuận lợi. Tuy nhiên vẫn như trước đó, việc can thiệp diễn ra khó khăn, do tình trạng hẹp khít động mạch thận.

Lúc này, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và Ngoại thận - Tiết niệu của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn cùng Phó giáo sư Thái Minh Sâm, chuyên gia ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy, đi đến quyết định ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho bệnh nhi.

Đau đầu được đưa đi khám, bé trai mới 7 tuổi chức năng thận chỉ còn 37% - 1

Các bác sĩ 2 bệnh viện ở TPHCM phối hợp ghép thận tự thân cho bệnh nhi (Ảnh: BV).

Theo đó, thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi, để phẫu thuật viên xử lý các bất thường mạch máu, sau đó ghép lại cho chính bé trai. Đây là giải pháp hiệu quả khi thận bị hẹp động mạch hoặc tổn thương mạch máu, tai nạn chấn thương.

Cuộc mổ có sự phối hợp của ekip 2 bệnh viện kéo dài 4 giờ và đã thực hiện thành công. Hậu phẫu, thận sau khi ghép được cấp máu đầy đủ. Bệnh nhi được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại và khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, huyết áp ổn định.

10 ngày sau, bé được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và bác sĩ, khi huyết áp trở về bình thường.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ca ghép thận tự thân thực hiện thành công nêu trên cho thấy bước tiến mới của bệnh viện trong việc phát triển đơn vị ghép thận.

Các bác sĩ khuyến cáo, hầu hết các trường hợp hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch, ngoài ra còn có nguyên nhân do loạn sản cơ. Để phòng ngừa hẹp động mạch thận, người dân cần duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng cường tập thể dục, hạn chế bia rượu, thuốc lá...

Bệnh hiếm ở thận khiến cô gái nhiều năm đau bụng dưới

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phẫu thuật cứu một trường hợp bị hội chứng hiếm gặp ở thận.

Bệnh nhân là một cô gái trẻ, bị đau bụng dưới nhiều năm, đặc biệt đau vào mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Đáng chú ý, bệnh nhân từng đi khám, siêu âm bụng nhiều cơ sở y tế khác nhau trong 3 năm, nhưng chưa rõ chẩn đoán và điều trị không khỏi. 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phi Long, Phó trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu của bệnh viện cho biết, bằng các phương tiện chẩn đoán chuyên sâu này, người bệnh được xác định mắc hội chứng Nutcracker (hay còn gọi là hội chứng kẹp hạt dẻ, do tĩnh mạch thận bị kẹp giữa 2 động mạch trong ổ bụng).

Đau đầu được đưa đi khám, bé trai mới 7 tuổi chức năng thận chỉ còn 37% - 2

Bệnh nhân bị hội chứng hiếm gặp ở thận được bác sĩ kiểm tra sức khỏe (Ảnh: BV).

Đây là hội chứng khá hiếm gặp, hiện chưa biết rõ được tỷ lệ mắc bệnh trong dân số. Ngoài việc gây ra các cơn đau khó lý giải, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến thận trái, gây tiểu máu, suy thận…

Việc điều trị sẽ tùy theo mức độ ảnh hưởng của bệnh. Nếu cần can thiệp sâu, các chỉ định ngoại khoa (như đặt stent tĩnh mạch thận, bơm tắc tĩnh mạch sinh dục, chuyển vị mạch máu ruột…) sẽ được thực hiện bởi các bác  sĩ chuyên khoa mạch máu.

Với trường hợp trên, sau khi hội chẩn, bệnh nhân được phẫu thuật cắm lại tĩnh mạch sinh dục vào tĩnh mạch chậu trái. Ca mổ thực hiện trong 2 giờ. Trải qua 5 ngày phẫu thuật, người bệnh hồi phục tốt, nhanh chóng tự ngồi dậy và đi lại, các cơn đau thuyên giảm.

Theo dantri.com.vn - 8/10/2023

https://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-dau-duoc-dua-di-kham-be-trai-moi-7-tuoi-chuc-nang-than-chi-con-37-20231007175821247.htm