Cập nhật: 19/10/2023 10:19:00
Xem cỡ chữ

Những người trẻ thực chất không nhận ra rằng mình bị phụ thuộc nhiều như thế nào vào trà sữa. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều hệ lụy khi sử dụng trà sữa quá nhiều.

Tại các quán trà sữa, đối tượng khách hàng hầu hết người trẻ, thậm chí các em nhỏ cũng có vẻ mê món đồ uống này. Vài năm qua, độ "hot" của trà sữa vẫn chưa hề giảm nhiệt.

Không cần nhìn vào thực đơn tại quán trà sữa, hai chị em Hà Minh sống tại quận Cầu Giấy cũng có thể gọi đồ một cách đầy tự tin. Từ vài năm nay, các em đã trở thành khách hàng thân thiết của quán trà sữa gần nhà. “ Cứ hôm nào đi học về cũng mua trà sữa uống, đỡ khát, đỡ mệt, sảng khoái. Thích trà sữa lắm bởi vì nó rất ngon, uống xong vị ngọt đọng lại”- Hà Minh nói.

Mỗi lần mua trà sữa, hai chị em có thể uống hết cốc to mà vẫn còn cảm thấy thèm. Mỗi lần thưởng thức xong lại nghĩ tới lần sau sẽ uống nữa bởi vị ngon- ngọt của trà sữa lúc nào cũng “quyến rũ” hai chị em.

Vì thích trà sữa trong khi lại không có nhiều tiền, nên những năm đầu xa nhà lên Hà Nội học, cô sinh viên Hải Anh đã có một cách giải cơn “khát” trà sữa mỗi ngày. “Em thích trà sữa vì vị thơm ngọt, vị dai dai giòn giòn của trân châu. Trước em tự pha một tuần uống khoảng 5 lần, không ngon bằng ngoài hàng, còn bây giờ thì mỗi tuần 1 cốc”- Hải Anh nói.

tra sua - nguy co gay nghien va tram cam o gioi tre hinh anh 1

Độ "hot" của trà sữa vẫn chưa hề giảm nhiệt với đối tượng khách hàng trẻ

Các loại trà sữa hấp dẫn luôn được chủ kinh doanh nghiên cứu đổi mới để thu hút các thượng đế trẻ tuổi. Đánh trúng tâm lý thích những món mới lạ theo "trend" của đối tượng khách hàng này nên các nhà cửa hàng trà sữa hầu như chả bao giờ thiếu khách.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Affective Disorders, các nhà nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương (Trung Quốc) đã khảo sát hơn 5000 sinh viên đại học ở Bắc Kinh.

Với cảm giác thèm thuồng dai dẳng, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng cho thấy một số bạn trẻ đang có dấu hiệu nghiện trà sữa. Gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ uống ít nhất một tách trà sữa mỗi tuần.

Bên cạnh các triệu chứng nghiện trà sữa, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra các vấn đề khác có liên quan đến trà sữa như trầm cảm và lo lắng.

Với những thông tin trên và qua thực tế đang diễn ra hằng ngày đối với nhu cầu sử dụng trà sữa của người dân, đặc biệt là giới trẻ, các chuyên gia y tế đã tỏ ra lo ngại về những tác động của nó đối với sức khỏe. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, vị ngọt đường trong trà sữa ban đầu sẽ giúp người dùng phấn chấn nhưng nếu dùng đồ ngọt thường xuyên sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và dẫn đến chứng nghiện. Cảm giác thèm nhớ đồ ngọt không chỉ là thói quen mà còn liên quan đến những phản ứng chuyển hóa trong cơ thể.

“Đường vốn dĩ là các carbohydrate đơn giản, khi vào cơ thể chúng sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành glucose trong máu. Thông thường, cơ thể sẽ cần đưa glucose ra khỏi máu và đi vào các tế bào để nạp năng lượng. Để thực hiện được điều này, cơ quan tuyến tụy sẽ sản xuất ra hormone insulin. Khi đó, lượng đường huyết có thể bị giảm xuống đột ngột. Sự thay đổi nhanh chóng về lượng đường trong máu này khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, choáng váng và cố gắng tìm nạp thêm đồ ngọt để làm tăng lượng đường huyết”- TS Trương Hồng Sơn cho hay.

tra sua - nguy co gay nghien va tram cam o gioi tre hinh anh 2

Lượng đường trong trà sữa cao gấp 2 lần khuyến nghị cho phép sử dụng đối với người khỏe mạnh

Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, sở dĩ trà sữa có khả năng gây nghiện là do chất caffeine có trong đó. Cơ thể người nếu uống hơn 400mg caffeine mỗi ngày sẽ nhanh bị nghiện. Mỗi cốc trà sữa, tùy loại to nhỏ và loại trà, có từ 100 đến 480mg caffeine, trung bình mỗi cốc là 200mg.

Ly trà sữa là một thức uống đem lại nhiều niềm vui cho giới trẻ. Nhưng dù ngon thế nào, một khi trở thành “nghiện” nó có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe như chia sẻ của TS-BS Nguyễn Trọng Hưng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

“Trà sữa không ghi nhãn nhưng theo báo cáo của những người tham gia chuỗi kinh doanh thì mỗi ly trà sữa có khoảng 100gr đường, vượt gấp 2 lần khuyến nghị đối với người bình thường được ăn. Chúng tôi hay gặp các bạn trẻ hay sử dụng trà sữa kết hợp với chế độ ăn không lành mạnh dẫn đến thừa cân béo phì, đây là cửa ngõ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa đường, đã có bạn bị tiền tiểu đường, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa trong gan…”- TS Nguyễn Trọng Hưng nói.

Vậy, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sức khỏe những tín đồ của trà sữa cần phải làm gì?

“Người tiêu dùng, ở đây là các bạn trẻ phải kiểm soát, sử dụng trong mức được khuyến nghị, sử dụng với tần suất phù hợp thì sẽ hợp lý hơn và bớt gây ảnh hưởng đến sức khỏe từ những loại đồ uống không lành mạnh”- TS Hưng khuyến cáo.

Việc nhận ra, từ bỏ những thói quen gây hại cho sức khỏe là một phần quan trọng trong hướng đến một lối sống lành mạnh và khỏe mạnh, đặc biệt với giới trẻ hiện nay.

Theo Phương Trang/VOV2 – 19/10/2023

https://vov.vn/suc-khoe/tra-sua-nguy-co-gay-nghien-va-tram-cam-o-gioi-tre-post1053528.vov