Những năm gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng lưu huỳnh chính là tác nhân gây ra "mùa Đông chết chóc" xóa sổ tới 3/4 sự sống trên Trái Đất, trong đó có loài khủng long, 66 triệu năm trước đây.
Hóa thạch xương khủng long được trưng bày tại nhà đấu giá Artcurial ở Paris (Pháp), ngày 13/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khoảng 66 triệu năm trước đây, Chicxulub - một tiểu hành tinh lớn hơn núi Everest - đã va vào Trái Đất, xóa sổ tới 3/4 sự sống trên hành tinh này, trong đó có loài khủng long.
Đó là điều chúng ta thường được nghe về nguyên nhân khủng long tuyệt chủng. Thế nhưng, mức độ tác động cụ thể của vụ va chạm này vẫn còn là vấn đề gây tranh luận.
Giả thuyết hàng đầu mới đây là lưu huỳnh từ vụ va chạm hoặc muội than từ các đám cháy rừng trên toàn cầu đã che kín bầu trời, khiến thế giới chìm trong mùa Đông tăm tối kéo dài và chỉ có vài loài vật may mắn sống sót.
Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Geoscience ngày 30/10 đã củng cố giả thuyết trước đó rằng: mùa Đông chết chóc hình thành bởi bụi bốc lên từ cú va chạm tiểu hành tinh.
Theo các nhà khoa học, bụi silicate mịn từ đá bị nghiền vụn có thể lưu lại trong khí quyển 15 năm, dẫn đến nhiệt độ toàn cầu giảm tới 15 độ C.
Trước đó, vào năm 1980, hai cha con nhà khoa học Luis và Walter Alvarez là những người đầu tiên nêu giả thuyết khủng long bị tuyệt chủng sau vụ va chạm tiểu hành tinh khiến bụi bao phủ khắp thế giới.
Giả thuyết của họ đã vấp phải nhiều ý kiến hoài nghi, mãi cho tới một thập kỷ sau đó, khi phát hiện miệng núi lửa Chicxulub khổng lồ trên bán đảo Yucatan ở vịnh Mexico. Hiện nay, phần lớn giới khoa học đồng ý rằng "thủ phạm" chính khiến khủng long tuyệt chủng là tiểu hành tinh Chicxulub.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ozgur Karatekin làm việc tại Đài quan sát Hoàng gia Bỉ cho biết trong những năm gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng không phải bụi mà lưu huỳnh mới chính là tác nhân gây ra mùa Đông chết chóc.
Các nhà khoa học lập luận rằng bụi từ vụ va chạm có kích thước không phù hợp lưu lại trong khí quyển đủ lâu để dẫn đến hiện tượng trên. Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia quốc tế có thể đo hạt bụi xuất hiện ngay sau vụ va chạm tiểu hành tinh. Các hạt bụi được tìm thấy ở di chỉ hóa thạch Tanis tại bang Bắc Dakota của Mỹ.
Mặc dù nằm cách miệng núi lửa Chicxulub 3.000km, nhưng di chỉ này vẫn bảo tồn được một số dấu tích và mẫu vật đáng chú ý, được cho là có niên đại từ ngay sau vụ va chạm của tiểu hành tinh, trong lớp trầm tích của hồ nước cổ đại. Theo các nhà khoa học, các hạt bụi có kích thước 0,8-8 micromet, vừa đủ để có thể tồn tại lơ lửng trong khí quyển tới 15 năm.
Khi nhập dữ liệu vào mô hình khí hậu dùng cho Trái Đất ngày nay, nhóm nghiên cứu xác định có thể bụi đóng vai trò lớn hơn trong sự kiện đại tuyệt chủng so với suy đoán trước đây. Trong số tất cả vật liệu bị tiểu hành tinh đẩy vào khí quyển, họ ước tính có 75% là bụi, 24% là lưu huỳnh và 1% là muội than.
Theo nhà khoa học Karatekin, hạt bụi ngăn chặn hoàn toàn hiện tượng quang hợp ở thực vật trong ít nhất một năm, khiến sự sống sụp đổ./.
Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+) - 01/11/2023
https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-the-luc-tuyet-diet-loai-khung-long-vao-mua-dong-chet-choc/905233.vnp