Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm xây dựng những phương thức rút tiền từ ngân hàng SCB vô cùng chuyên nghiệp.
Cài người thân tín vào bộ máy lãnh đạo ngân hàng SCB
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay không thể chi trả và còn phát sinh tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Tổng thiệt hại của vụ án là hơn 433.000 tỷ đồng, lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Kết luận điều tra thể hiện, bà Trương Mỹ Lan không có chức vụ trong ngân hàng SCB nhưng lại là cổ đông chính. Với hơn 1.394 triệu cổ phần, tương đương 91,536% vốn điều lệ sở hữu hoặc chi phối SCB, bà Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình vào các vị trí chủ chốt của SCB như hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát.
Sau khi cài các cá nhân thân tín vào ngân hàng SCB, bà Lan thông qua những người này để thao túng, điều hành hoạt động của SCB. Cụ thể là bà chủ Vạn Thịnh Phát chi phối để ngân hàng SCB giải ngân các khoản vay cho những công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Các khoản vay đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Thực tế, SCB không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.
Đường đi của dòng tiền
Theo lời khai của bị can Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực chất là để Trương Mỹ Lan dùng vào các mục đích khác, không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Nhằm rút dòng tiền cực lớn từ SCB, bà chủ Vạn Thịnh Phát và đồng phạm đã tạo nhiều phương thức rút tiền rất chuyên nghiệp. Kết luận điều tra nêu: Để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích của mình, tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, có điều kiện truy vết theo dòng tiền để phát hiện sai phạm, Trương Mỹ Lan chỉ đạo người thân tín tại SCB và cấp dưới tại Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của cá nhân, pháp nhân "ma" nhằm chuyển tiền ra khỏi hệ thống của SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt để cắt đứt dòng tiền.
Việc rút tiền từ SCB được Trương Mỹ Lan thực hiện theo 2 hình thức: Rút tiền mặt trực tiếp tại ngân hàng SCB; Chuyển khoản vào các tài khoản của các công ty "ma", cá nhân trong nhóm. Khi cần tiền mặt thì Trương Mỹ Lan trực tiếp điều động lái xe là ông Bùi Văn D. đến ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn để rút. Sau đó chỉ đạo thân tín ở SCB và cấp dưới ở Vạn Thịnh Phát phối hợp để hợp thức hóa việc rút tiền.
Sau khi rút được tiền mặt, lái xe D. chở tiền về trụ sở Vạn Thịnh Phát tại phố Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) hoặc trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Theo lời khai và sổ tay ghi chép của lái xe D., ông này đã trực tiếp chuyển tiền mặt về trụ sở Vạn Thịnh Phát và đưa cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan số tiền 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD.
Khi chưa cần sử dụng tiền mặt, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) phối hợp với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) sử dụng các cá nhân, pháp nhân mở tài khoản tại ngân hàng SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân sang các tài khoản của cá nhân, pháp nhân này. Khi cần sử dụng sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan.
Theo Võ Nam/VOV.VN – 21/11/2023
https://vov.vn/phap-luat/vu-an-van-thinh-phat-bi-can-truong-my-lan-rut-ca-tram-nghin-ty-the-nao-post1060494.vov