Nỗ lực bứt phá khỏi danh sách các huyện nghèo nhất nước, thời gian gần đây, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã chú trọng tận dụng những lợi thế về địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút các nhà đầu tư; đồng thời, từng bước định vị, xây dựng thương hiệu du lịch, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Tận dụng nguồn suối khoáng nóng tự nhiên với hàm lượng khoáng chất cao, tốt cho sức khỏe, cùng các bungalow độc đáo, thân thiện với môi trường, khu du lịch Suối khoáng nóng Trạm Tấu của HTX Cường Hải giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Một du khách từ Hà Nội bày tỏ: "Tôi thích ở đây vì phong cảnh thiên nhiên đẹp và nguồn suối khoáng tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe. Tôi thấy rất hài lòng với dịch vụ ở đây".
Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, Khu du lịch Lau Camping ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cũng là một trong những địa điểm hấp dẫn với du khách. Tại đây, vào buổi sáng sớm, du khách thường được ngắm bình minh giữa biển mây, tận hưởng không khí trong lành và không gian yên tĩnh.
Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn, nghỉ, bay dù lượn, các vị trí độc đáo giúp du khách có thể lưu lại những hình ảnh đáng nhớ là những lợi thế của khu du lịch này. Ông Sùng A Nu, Giám đốc Công ty Tabala - đơn vị khai thác khu du lịch này cho biết: "Đây là một trong những điểm du lịch mới nhất của huyện Trạm Tấu, các bạn trẻ đến đây đều rất thích, được ngắm các lòng chảo và núi đồi ở đây".
Các đỉnh núi cao tuyệt đẹp ở Trạm Tấu là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn khám phá
Nhận thấy du khách có nhu cầu khá lớn về du lịch mạo hiểm, đặc biệt là tại 2 đỉnh núi có độ cao gần 3.000 mét so với mặt nước biển trên địa bàn huyện là Tà Chì Nhù và đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu đã thành lập các hợp tác xã du lịch để phục vụ du khách với các dịch vụ tương đối chuyên nghiệp.
Bà Vũ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Trạm Tấu cho biết: "HTX đã mở ra được một số dịch vụ như là tour ghép cho các đoàn, các dịch vụ ăn, uống, ngủ nghỉ, đặc biệt là có một đội xe ôm chuyên nghiệp để phục vụ khách".
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch theo hướng xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, huyện Trạm Tấu đã và đang triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng đi đôi với các biện pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, có sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Thống kê trong hơn 10 tháng năm nay, địa phương vùng cao này đã thu hút hơn 100.000 lượt khách du lịch, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 70 tỷ đồng.
Ông Khang A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Theo phương châm 'Trạm Tấu ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây' với các sản phẩm du lịch đặc trưng, tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao gắn liền với các địa danh, để khách du lịch đến vừa tham quan, trải nghiệm vừa thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống mà Trạm Tấu hiện nay đang có".
Mục tiêu huyện Trạm Tấu đặt ra là đến năm 2025 sẽ đón 120.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 200 tỷ đồng. Đến năm 2030, đón khoảng 240.000 lượt khách du lịch, với 60.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt khoảng 660 tỷ đồng; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc - 2/12/2023
https://vov.vn/du-lich/tram-tau-am-ap-suoi-nguon-bat-ngat-bien-may-post1062799.vov