Cập nhật: 14/12/2023 13:55:00
Xem cỡ chữ

Viêm xoang là vấn đề thường gặp ở nước ta, hiện tỷ lệ người mắc bệnh viêm xoang khá cao, chiếm khoảng 25 - 30% bệnh nhân đến khám các bệnh về tai - mũi - họng và ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh có những biến chứng nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp y tế kịp thời.

Viêm xoang được chia thành hai loại chính: Viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Cụ thể:

- Đối với viêm xoang cấp tính: Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và biến mất sau 1 – 2 tuần, tối đa không quá 8 tuần. Tùy theo vị trí bị viêm xoang mà bệnh lại chia thành các thể: Viêm xoang hàm, viêm xoang trán, viêm xoang sàng, viêm xoang bướm và viêm đa xoang.

- Đối với viêm xoang mạn tính: Thường được hình thành do người bệnh không điều trị sớm và đúng cách, dẫn đến các xoang mũi bị sưng viêm và phù nề trong thời gian dài (thường là hơn 8 tuần).

Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang

Viêm xoang có nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là:

- Do nấm, vi khuẩn: Các loại nấm, vi khuẩn khi có điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập và phát triển trong các xoang, gây ra tình trạng viêm nhiễm, chất nhầy bị tắc nghẽn và ứ đọng, khiến cho luồng không khí lưu thông gặp nhiều khó khăn.

- Do bệnh lý về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng… Các tuyến dịch nhầy ở niêm mạc phải hoạt động quá công suất, khiến cho hệ thống lông vận chuyển chất nhầy từ các xoang ra bên ngoài bị kém đi.

- Do cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng thường rất dễ bị viêm xoang. Chỉ cần cơ thể dung nạp không đúng thực phẩm hoặc tiếp xúc với một số dị nguyên là đã có thể kích hoạt dị ứng, khiến niêm mạc ở mũi bị phù nề, các lỗ xoang bị tắc nghẽn gây nhiễm trùng.

- Do hệ miễn dịch suy yếu: Cơ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn, virus xâm nhập vào các xoang và gây bệnh.

- Do dị nguyên: Làm việc hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên như lông thú nuôi, phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc lá… mà không có dụng cụ che chắn hoặc bảo vệ thì sẽ dễ bị viêm xoang hơn người bình thường.

- Do chấn thương như vỡ xoang, tổn thương niêm mạc xoang, tụ máu trong xoang… sẽ khiến vùng xoang bị phù nề, tắc nghẽn dịch nhầy gây viêm xoang.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người gặp sự bất thường ở mũi (vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi) hoặc những người gặp các bệnh lý như trào ngược dạ dày, đái tháo đường... sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm xoang cao hơn người khác.

Tùy theo tình trạng và mức độ mắc phải, người bệnh viêm xoang sẽ có một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau như: Chảy dịch nhầy, nghẹt mũi, mất khứu giác, đau nhức các vùng bị xoang và một số một số triệu chứng khác như sốt, ho, nhức đầu, ù và đau tai, cơ thể mệt mỏi, đau họng,…

‎Bên cạnh việc xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh dựa trên các triệu chứng lâm sàng, người bị viêm xoang còn có thể được chẩn đoán bệnh qua một số phương pháp hiện đại khác như: Nội soi mũi, chụp CT và MRI, xét nghiệm dị ứng miễn dịch, viêm tai giữa, nuôi cấy dịch mũi và xoang.

Biến chứng thường gặp của viêm xoang- Ảnh 2.

Viêm xoang là vấn đề thường gặp ở nước ta.

Biến chứng thường gặp khi bị viêm xoang

‎Về cơ bản viêm xoang không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu như được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp. Trường hợp để viêm xoang kéo dài, người bệnh có thể sẽ gặp một số biến chứng nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp y tế kịp thời.

- Biến chứng ở mắt: Là biến chứng phổ biến nhất của người bị viêm xoang, nhưng gặp nhiều nhất là khi bị xoang sàng. Trong quá trình bệnh, viêm nhiễm có thể sẽ truyền từ mũi lên mắt, gây ra các vấn đề như viêm mí, viêm nề ổ mắt, lồi nhãn cầu, đau nhức mắt, áp-xe mi mắt… Một số trường hợp nặng có thể bị nhiễm trùng hoặc mù lòa.

- Biến chứng ở đường hô hấp: Người bệnh sẽ bị viêm họng khi hít phải các dịch mủ từ mũi chạy xuống họng hoặc bị viêm thanh quản mãn tính khi khàn tiếng, mất tiếng, ho có đờm kéo dài.

- Biến chứng ở tai: Viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa cấp mủ… nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị thủng màng nhĩ hoặc gây ra viêm tai giữa mạn tính.

- Biến chứng ở não: Người bệnh gặp các biến chứng ở não như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe não… nếu như không điều trị kịp thời, các biến chứng này có thể để lại những hậu quả nặng nề, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

- Biến chứng ở xương: Đau nhức xương trán, viêm tắc mạch máu xương trán, viêm tắc mạch máu xương sọ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây sưng vùng xoang trán và hình thành các ổ áp-xe, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

Lời khuyên thầy thuốc

Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang

‎Để hạn chế tối đa nguy cơ viêm xoang khởi phát hoặc biến chứng, người bệnh viêm xoang cần lưu ý vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường, khi làm việc ở nơi nhiều hóa chất hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên (bụi bẩn, lông vật nuôi, phấn hoa…)

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang như khăn tắm, khăn mặt, khẩu trang…

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể chống lại bệnh tật một cách tốt nhất.

- Nên ăn các loại thực phẩm giàu Omega - 3 và hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng các chất kích thích hoặc ăn các thực phẩm không lành mạnh.

- Trường hợp bị nghẹt mũi khi đi bơi phải dùng dung dịch nước muối hoặc nước muối sinh lý để làm sạch mũi khi có chỉ định từ bác sĩ.

- Khi mắc các bệnh về đường hô hấp phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh kéo dài vì có thể dẫn đến viêm xoang.

- Khi nghi ngờ bị viêm xoang, người bệnh nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải.

Theo suckhoedoisong.vn - 14/12/2023

https://suckhoedoisong.vn/bien-chung-thuong-gap-cua-viem-xoang-169231213200658272.htm