Cập nhật: 20/12/2023 07:32:00
Xem cỡ chữ

Lợi dụng nhu cầu sinh viên đang đi học, mới ra trường nhu cầu làm thêm để trang trải cuộc sống, chi phí đầu năm học mới…Nhiều đối tượng đã lên các mạng xã hội quảng cáo hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”, để “bẫy” những bạn trẻ nhẹ dạ cả tin.

1001 kiểu bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Thời gian qua, rất nhiều người dân đã bị “sập bẫy” lừa đảo từ hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online. Điển hình là trường hợp của chị N.T.H (sinh năm 2.000) ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã mất gần 300 triệu đồng từ việc làm cộng tác viên chạy quảng cáo, thanh toán các đơn hàng cho một sàn thương mại điện tử.

 viec nhe, luong cao can canh giac khong de sap bay lua dao hinh anh 1

Những lời quảng cáo mời chào hấp dẫn được đăng tải trên mạng xã hội

Theo nội dung phản ánh chị N.T.H cho biết, đầu tháng 10 vừa qua, chị H có nhận được tin nhắn tuyển dụng cộng tác viên của một cá nhân tự xưng là nhân viên một sàn thương mại điện tử.

Yêu cầu công việc rất đơn giản và phù hợp đó là không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Do đang trong giai đoạn nghỉ ở nhà nuôi con nhỏ, thời gian rảnh rỗi nhiều, chị đã nhận lời làm việc online. Công việc chị H được giao là bán hàng online, nhận và thanh toán các đơn hàng để hưởng tiền hoa hồng.

Với 5 đơn hàng đầu tiên, chị được số tiền hơn 1,1 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra để nhận hàng giao cho khách. Do ham lợi nhuận, chị H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt mua bán lòng vòng, đến khi tổng số tiền ứng ra để nhận đơn hàng lên đến gần 300 triệu đồng thì chị H không thể liên lạc được với các đối tượng.

Tương tự, sau khi lên mạng xã hội facebook tìm việc, chị V.T.L (sinh năm 2001) ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được hướng dẫn làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng, hưởng tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng 10% - 15%. Nhận thấy công việc không đòi hỏi nhiều và thu nhập cao nên chị đã tham gia và thanh toán nhiều đơn hàng.

Thời gian đầu, chị L đều nhận được tiền hoa hồng theo đúng cam kết của công ty. Tuy nhiên, khi tổng số tiền ứng ra để nhận hàng theo đơn và hoa hồng lên đến hơn 500 triệu đồng thì chị L không liên lạc được với công ty đã tuyển chị làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng.

Cũng từng tìm việc qua mạng xã hội và là nạn nhân của hình thức này, P.D.K (sinh viên Trường Đại học Thăng Long) kể lại: “Để đỡ đần cho cha mẹ, tôi đã tìm một việc làm thêm. Khi lướt Facebook đọc được bài tuyển dụng với mức lương 3,2 triệu mỗi tháng, được phụ cấp và có thưởng doanh số mà không yêu cầu kinh nghiệm, tôi đã hào hứng liên hệ với người đăng bài.

 viec nhe, luong cao can canh giac khong de sap bay lua dao hinh anh 2

Người đó bảo tôi đăng ký làm thẻ của một ngân hàng do công ty thanh toán lương qua ngân hàng đó. Đăng ký xong sẽ lên lịch nộp hồ sơ cho tôi bắt đầu đi làm. Tôi nghĩ đăng ký cũng không mất tiền nên nhanh chóng làm theo.

Làm xong người đó lại bảo công ty cần nhân viên bán hàng kiêm thu ngân, thanh toán qua ví điện tử cho khách hàng nên cần tôi tải app và đăng ký 2 ứng dụng ví điện tử với 2 đường link được gửi đến. Tôi bắt đầu nghi ngờ và từ chối lời đề nghị đó. Cuối cùng người đó hẹn tôi ngày phỏng vấn và dặn chờ điện thoại. Nhưng sau nhiều ngày không ai liên hệ, tôi biết mình đã bị lừa. May mà chưa làm theo lời đề nghị trải nghiệm ví điện tử, nếu không tôi nghĩ cái mình bị lừa không chỉ có thế”.

Đây chỉ là vài trường hợp trong số rất nhiều trường hợp người dân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau khi được tuyển làm cộng tác viên làm việc online. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra không ít cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người do cả tin và thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online hoặc cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là cho các nạn nhân được hưởng mức hoa hồng cao. Thời gian đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng.

Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kiểu này.

Các đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm

Theo PGS.TS Trần Công Trương- Đại học Quốc gia Hà Nội, trong quá trình học tập sinh viên có thể làm các công việc bán thời gian khác nhau liên quan hoặc không liên quan đến chuyên ngành học. Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều lời rao để môi giới hoặc tuyển dụng để làm các công việc tương tự như vậy.

 viec nhe, luong cao can canh giac khong de sap bay lua dao hinh anh 3

Tuy nhiên, tìm việc trên mạng thì sinh viên không biết rõ được tính xác thực của thông tin dẫn đến bị lừa mất phí đặt cọc, phí môi giới…Nghiêm trọng hơn nữa là rơi vào cạm bẫy làm cộng tác viên bán hàng, tiếp thị online rồi bị dẫn dụ tới lừa đảo, bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng cấm hoặc là được tuyển dụng làm tư vấn tài chính nhưng thực chất là tiếp tay cho tổ chức cho vay nặng lãi.

Theo PGS.TS Trần Công Trương, để tránh các cạm bẫy, đầu tiên và trên hết mỗi sinh viên phải biết tự cảnh giác, tự bảo vệ mình. Không nên tin vào những thông tin, địa chỉ không đáng tin cậy, mang tính chất trôi nổi, những lời rao có cánh việc nhẹ lương cao.

Đồng thời, khi có nhu cầu tìm việc, sinh viên nên tìm đến dịch vụ giới thiệu việc làm của địa phương, tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương như Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên…Bên cạnh đó, ở mỗi trường đều có trung tâm, phòng ban hỗ trợ cho sinh viên để tìm kiếm việc làm.

Nếu tìm việc không thông qua trung tâm của nhà trường hay các tổ chức chính trị, xã hội thì sinh viên nên liên hệ với những đối tượng tuyển dụng có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, phải biết được nơi tuyển dụng cụ thể. Đặc biệt, không nên tin vào những lời mời gọi hấp dẫn và không chấp nhận đặt cọc, chuyển tiền trước.

Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

“Không có chuyện làm việc tại nhà, làm việc online nhẹ nhàng mà lương cao, đa số là bẫy lừa trên mạng, người dân cần nhận thức rõ điều này và hết sức cảnh giác khi tìm các công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên kinh doanh online, người dân cần tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hóa, địa chỉ công ty, doanh nghiệp mình cộng tác để có thông tin chính xác”, Luật sư Nguyễn An Bình nói.

Theo Nguyễn Hoàng/VOV.VN – 19/12/2023

https://vov.vn/xa-hoi/viec-nhe-luong-cao-can-canh-giac-khong-de-sap-bay-lua-dao-post1066542.vov