Cập nhật: 21/12/2023 17:30:00
Xem cỡ chữ

Theo cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, gần 13.000 nạn nhân đã bị lừa đảo trực tuyến trong năm 2022, tăng tới 44% so với năm 2021. Để bảo vệ người dân, pháp luật cần phải có những chế tài rõ ràng, đủ mạnh, thậm chí quy định trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị khởi tố hình sự đối với việc vi phạm quyền bảo mật thông tin.

Muôn hình vạn trạng "kịch bản" lừa đảo

Lợi dụng tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và hiểu biết hạn chế, sự cả tin của một bộ phận người dân, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản “nở rộ” với thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi. Giải pháp nào để bảo vệ cộng đồng? 

cach bao ve cong dong hieu qua truoc toi pham lua dao tren mang hinh anh 1

Theo cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, gần 13.000 nạn nhân đã bị lừa đảo trực tuyến trong năm 2022, tăng tới 44% so với năm 2021. 

Chuyên gia tội phạm học, TS. Đào Trung Hiếu đánh giá, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số vụ, số đối tượng, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt trong bối cảnh đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn.

"Các đối tượng chuyển từ hoạt động mặt đất lên không gian mạng, tính ẩn danh rất cao, một hành vi phạm tội từ nước ngoài ngay lập tức có thể du nhập về Việt Nam. Có những diễn đàn ngầm của hacker dạy nhau những chiêu trò, thủ đoạn, thao túng tâm lý nạn nhân.

Trong khi đó, khả năng chúng ta phát hiện, điều tra, xử lý rốt ráo cũng là điều rất khó khăn. Có những trường hợp yêu cầu ngân hàng chặn lại dòng tiền, nhưng ngân hàng lại yêu cầu rất nhiều thủ tục, trong đó có quyết định khởi tố vụ án. Mà tất cả tài khoản đối tượng sử dụng đều là tài khoản không chính danh, có những diễn đàn chuyên bán tài khoản như vậy", TS. Đào Trung Hiếu phân tích.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam - NCS cho rằng, các hình thức lừa đảo không mới về nội dung và phương tiện thực hiện, nhưng “kịch bản” lại luôn thay đổi hết sức tinh vi, khó lường.

"Về nội dung, để nạn nhân có thể tin tưởng thì các đối tượng đã chuẩn bị các thông tin sát với nạn nhân. Thông tin bị lộ lọt có thể từ chính nạn nhân khi họ đưa lên mạng, hoặc đưa lên dịch vụ không đảm bảo, hoặc từ đơn vị chủ quản thông tin đó.

Về phương tiện lừa đảo, việc hạn chế SIM “rác” sẽ giúp cho tình trạng lừa đảo, quấy rối dần dần bị đẩy lùi. Hoặc các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng những kênh khác như chat hay email, thì đầu tiên phía người sử dụng phải tự trang bị những kiến thức. Nhà trường cần bổ sung kiến thức giáo dục công dân “số”. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cần ngăn chặn việc lộ lọt thông tin khách hàng. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra", ông Sơn nói.

cach bao ve cong dong hieu qua truoc toi pham lua dao tren mang hinh anh 2

Mua SIM kích hoạt sẵn dễ như… ''mua rau'', từ các cửa hàng đến sàn thương mại điện tử. Tương tự, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng cũng diễn ra phổ biến, trở thành công cụ cho tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng tình với giải pháp đồng bộ đến từ cả cơ quan quản lý và các tổ chức, cá nhân, chuyên gia tâm lý tội phạm, TS. Đoàn Văn Báu cho rằng: "Tôi nghĩ giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân về các hình thức lừa đảo để tạo ra “sức đề kháng”. Chúng ta không cần đưa ra phương thức cụ thể, mà đưa ra những định hướng chung".

Ví dụ như bất kỳ cơ quan nhà nước nào làm việc với công dân cũng phải có giấy triệu tập, không thể nào gọi điện và yêu cầu giữ bí mật, chuyển tiền được. Thứ hai, mình muốn bảo vệ tài sản của mình thì mình cần có kỹ năng và cập nhật được những phương thức thủ đoạn này. Thứ ba là các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ thông tin".

Tăng hình phạt, khởi tố hình sự đối với việc vi phạm nghiêm trọng

Dù khá cẩn thận trong các giao dịch mua bán hàng online, nhưng chị N.T.T ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn không ngờ có ngày mình trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Khách hàng nói là đang ở Hàn Quốc, chuyển khoản từ nước ngoài về Việt Nam thì phải có xác nhận của người nhận. Thì mình nghĩ là nhận chuyển khoản sẽ đỡ tiền phí thu hộ (COD), mình làm các bước theo hướng dẫn của đường link, vô tình cung cấp mật khẩu, OTP mà không hề biết", chị T. kể.

Theo Cục An toàn thông tin, có 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức trên không gian mạng. Nhóm 1 là giả mạo thương hiệu (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…), chiếm tới hơn 72% số vụ.

Nhóm 2 là chiếm đoạt tài khoản online (ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội…), chiếm tỷ lệ hơn 11%. Và nhóm 3 là các hình thức kết hợp (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay…) chiếm 16%.

Dù đã được cảnh báo thường xuyên nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy: "Họ báo tin nhắn mình đang có nợ, lỗi giao thông bị phạt, cuộc gọi điện họ yêu cầu mình bấm phím này phím kia".

"Công việc làm thêm của mình, người ta bảo mình phải chuyển khoản trước mới bắt đầu cho mình có được công việc đó, phải tải một cái app gì đó mình cũng không hiểu luôn".

"Họ gọi điện cho mình và cả người nhà mình luôn, là mình có các khoản vay ở chỗ này chỗ kia. Nhiều khi vợ và chị mình không biết thứ nhất lại nghĩ là mình vay mượn, thứ hai có khi lại chuyển tiền để tránh bị làm phiền"...Một số nạn nhân "sập bẫy" lừa đảo kể việc mình bị lừa như thế nào.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, làm cơ sở để ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là các quy định về bảo mật thông tin cá nhân.

"Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có nhiều quy định về bảo mật thông tin cá nhân, tuy nhiên có bất cập là quy định còn chung chung, chưa có chế tài xử lý với hành vi vi phạm.

cach bao ve cong dong hieu qua truoc toi pham lua dao tren mang hinh anh 3

Theo quan điểm của tôi, pháp luật cần có quy định rõ ràng hơn nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong các giao dịch có yếu tố kinh tế. Ngoài ra phải có những chế tài rõ ràng, đủ mạnh, thậm chí quy định trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị khởi tố hình sự đối với việc vi phạm quyền bảo mật thông tin", Luật sư Phạm Thành Tài nói.

Để người dân không đơn độc trước ''ma trận'' lừa đảo thì trách nhiệm của tất cả ban, ngành chức năng cần được nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ.

Dù xã hội có phát triển đến đâu thì tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn luôn tồn tại, với phương thức, thủ đoạn thay đổi không ngừng. Trong khi cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc truy bắt, xử lý các đối tượng, thì đa số người dân dường như chỉ biết cách bảo vệ bản thân bằng kinh nghiệm.

Do vậy, để người dân không đơn độc trước “ma trận” lừa đảo, để những cạm bẫy không còn bủa vây cộng đồng thì trách nhiệm của tất cả ban, ngành chức năng cần được nâng cao với nhiều giải pháp đồng bộ.

Bẫy lừa đảo và vai trò dẫn đường của ban, ngành các cấp

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thay đổi cuộc sống con người, nhưng mạng viễn thông, Internet với tính ẩn danh cao, đã bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo ngày càng phổ biến.

Chúng đánh vào lòng tham, sự cả tin của nạn nhân như trúng thưởng, việc nhẹ lương cao, mạo danh người thân, cơ quan nhà nước…hay đánh vào nỗi sợ: sợ bị khóa tài khoản, sợ bị điều tra, sợ không được cấp cứu,…

Cạm bẫy giăng ra trong mọi lĩnh vực của đời sống như “vòi bạch tuộc”, “vòi” này bị chặt đứt thì “vòi” khác lại mọc ra.  

Đây là lúc cần sự hiện diện của các cơ quan quản lý với vai trò phá “bẫy” và dẫn đường. Đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, làm cơ sở để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Đặc biệt là các quy định về an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ dữ liệu người dùng, đi kèm chế tài đủ mạnh và biện pháp giám sát, phát hiện hiệu quả.

Trong đó, cần gắn trách nhiệm của các đơn vị nắm giữ thông tin, từ đó khắc phục tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin cá nhân xảy ra phổ biến thời gian qua.

cach bao ve cong dong hieu qua truoc toi pham lua dao tren mang hinh anh 4

Lợi dụng tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân và hiểu biết hạn chế, sự cả tin của một bộ phận người dân, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ''nở rộ'' với thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi.

Có ràng buộc chặt chẽ trong những giao dịch có yếu tố kinh tế, tạo nên “hàng rào” đủ mạnh ngăn ngừa hành vi phạm tội và giúp cơ quan điều tra có thể nhanh chóng can thiệp khi cần.

Với cơ quan công an, cần nắm bắt những thủ đoạn mới và phổ biến rộng rãi đến người dân qua các phương tiện truyền thông; điều tra, xử lý nhanh chóng các vụ việc nổi cộm, công khai các kênh tiếp nhận phản ánh để tạo sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân.

Việc tăng cường niềm tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước và tăng khả năng tiếp cận với các kênh giao dịch chính thống còn có ý nghĩa với tất cả ban ngành khác và mọi lĩnh vực, để người dân không còn nỗi sợ và không bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Xa hơn là tiếp tục thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng và các loại tội phạm nói chung.

Còn để trực tiếp ngăn ngừa tội phạm lừa đảo thì cần hạn chế công cụ gây án. Chúng thường sử dụng mạng xã hội, SIM “rác” để không lộ danh tính, tài khoản ngân hàng được mua bán để không xác định được người giao dịch.

Do vậy, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đẩy mạnh xử lý việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vốn nhức nhối nhiều năm nay, phối hợp các doanh nghiệp xóa bỏ những tài khoản, hội nhóm giả mạo, lừa đảo. Tương tự là xử lý quyết liệt với tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng, yêu cầu người dân không tiếp tay cho hành vi phạm tội.

Cùng với đó là tăng cường truyền thông đến mọi người dân về nhận diện tội phạm, nâng cao nhận thức về việc tự bảo vệ bản thân và hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng Internet, thiết bị công nghệ an toàn. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm người ở vùng nông thôn, người cao tuổi…những người có hiểu biết hạn chế hơn về công nghệ thông tin.

Phương thức tuyên truyền cũng cần thay đổi linh hoạt, trong đó chú trọng vào mạng xã hội - một trong những kênh thông tin nhanh chóng và hiệu quả nhất hiện nay.

Nếu mọi cơ quan, tổ chức có tinh thần trách nhiệm, chủ động có bài đăng trên tài khoản “tích xanh”, hoặc gửi tin nhắn đến từng người liên quan, thì sẽ chẳng có chuyện lừa đảo “con đi cấp cứu” lan rộng từ TP.HCM ra Hà Nội như vừa qua, khi ngành giáo dục chậm trễ trong việc yêu cầu các trường gửi khuyến cáo đến phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần đưa chương trình đào tạo công dân “số” vào giảng dạy các cấp học, sớm hình thành kỹ năng cho học sinh, sinh viên; đồng thời thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật và chế tài xử phạt để răn đe, ngặn ngừa mầm mống tội phạm.

Cuối cùng, mọi nỗ lực của cơ quan quản lý cần sự đồng hành, phối hợp của người dân để phát huy hiệu quả cao nhất.

Mỗi người cần tự trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, hoặc nhờ người thân bảo mật tài khoản, tránh bị đối tượng xấu chiếm đoạt; cảnh giác trước mọi yêu cầu chuyển tiền, cung cấp OTP và các loại thông tin cá nhân khác; không làm theo yêu cầu của những người chưa xác thực danh tính; kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi phạm tội hoặc có biểu hiện nghi ngờ; và cùng lên tiếng, chia sẻ với cộng đồng, để cùng nhận diện và tránh xa mọi cạm bẫy lừa đảo.

Theo Nguyễn Hoàng/VOV.VN – 21/12/2023

https://vov.vn/xa-hoi/cach-bao-ve-cong-dong-hieu-qua-truoc-toi-pham-lua-dao-tren-mang-post1066960.vov