Nằm vắt qua con sông nhỏ ở huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định), Cầu ngói Thượng Nông là một dấu ấn về sự tài hoa, sáng tạo của người xưa trong trong kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo.
Trong số những cây cầu cổ có kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (cầu có mái che) hiếm hoi còn lại trên cả nước, riêng tỉnh Nam Định có 3 cây cầu vẫn đang được người dân sử dụng, đó là Cầu Ngói Hải Anh (huyện Hải Hậu), Cầu lợp Làng Kênh Cầu (huyện Trực Ninh) và Cầu ngói Chợ Thượng (huyện Nam Trực).
Những cây cầu này đều có tuổi đời hàng trăm năm. Trải qua những biến động thời gian, những cây cầu có mái che vẫn giữ nguyên dáng hình độc đáo, là niềm tự hào của người dân địa phương và điểm check-in yêu thích của khách du lịch phương xa khi đến thăm những nơi này.
Cầu ngói Chợ Thượng, hay còn gọi là Cầu ngói Thượng Nông, nằm vắt qua con sông nhỏ có tên là sông Ngọc, ở xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Theo tư liệu cổ, cầu được xây dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ 18, cách đây hơn 300 năm, nhờ sự đóng góp công đức của Bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của Chúa Trịnh, vốn là người con gái làng Thượng Nông.
Làng Thượng Nông thuở xưa nằm dọc hai bên bờ sông Ngọc. Người dân muốn qua lại, giao thương phải đi trên một cây cầu chênh vênh ghép bằng gỗ bắc qua sông.
Để giúp người dân hai bên bờ sông đi lại thuận lợi hơn, Bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân quyết định bỏ tiền mua nguyên vật liệu, sau đó huy động sức dân xây dựng một cây cầu có mái che để thay thế cho cây cầu cũ.
Đến khi hoàn thành, cây cầu mới được người dân gọi là Cầu ngói Thượng Nông. Với kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), cây cầu không chỉ giúp người dân qua lại thuận lợi mà còn là chốn nghỉ chân của khách bộ hành.
Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian từ 1,45-1,65m, tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bên bờ sông.
Cầu được chia thành 11 gian, tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bên bờ sông. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Phần “thượng gia” được cấu thành bởi bộ khung bằng gỗ tạo thành một mái lợp ngói ở trên, vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại tránh mưa, nắng và có thể nghỉ ngơi, hóng mát, vừa có tác dụng bảo vệ cho các cấu kiện kiến trúc gỗ của cầu.
Cầu được lợp bằng ngói nam giống như vảy rồng. Hệ thống xà thượng, xà hạ, bộ vì kèo được liên kết chặt chẽ với cột cầu.
Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái.
Phần “hạ kiều” có kết cấu gồm 3 thành phần chính là mố cầu, dầm cầu và mặt cầu.
Mố cầu được làm bằng những tảng đá nguyên khối xây ghép với nhau. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Cây cầu uốn cong nhẹ một cách duyên dáng và rất vững chãi nhờ phần mố cầu được làm bằng những tảng đá nguyên khối xây ghép với nhau.
Các tảng đá được xếp khéo léo theo thứ tự lớn ở dưới, nhỏ ở trên. Tính từ mặt nước trung bình thì mố cầu rộng 3,7m, được xây vuốt theo hình thang cân với cạnh trên là 2,84m.
Hai mố cầu cách nhau khoảng 5m, ở giữa là khoảng trống để cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại.
Bắc qua hai mố cầu là hai thanh dầm được làm bằng hai thân cây gỗ có đường kính 50cm. Bên trên hai thanh dầm dọc này là bốn dầm ngang đường kính khoảng 20cm, có đầu nhô ra ngoài, phần nhô ra của các dầm ngang này dùng để đỡ chân 8 cột quân hai bên thành cầu. 12 cột quân còn lại được dựng vào các tảng đá xanh nguyên khối, to và dày, tạo sự vững chắc cho cầu.
Cầu ngói Thượng Nông có tổng cộng 40 cột dọc hai bên cầu, mỗi bên có 20 cột. Trong đó, 20 cột cái có chiều cao 2m, cạnh vuông gần 20cm, đặt sát hai bên lòng xà cầu; 20 cột quân cao hơn 1,6m, đường kính hơn 20cm, đặt trên các đòn ngang hai bên hông cầu..
Ở 3 gian chính giữa cầu có bậc để ngồi, phía ngoài có lan can, là nơi dành cho khách bộ hành nghỉ chân, ngắm cảnh sông nước. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Toàn bộ khung cầu, dầm cầu… đều được làm bằng gỗ lim. Năm 2019, cơ quan chức năng đã trùng tu lại cầu, thay một số cột bị hỏng và sửa lại mái ngói, riêng 2 thanh dầm dọc cầu cho dù bị bào mòn theo thời gian với những vết nứt chân chim do nắng mưa, nhưng vẫn rất chắc chắn, không có hiện tượng mối mọt.
Sàn cầu rộng 1,74m, trước đây lát ván gỗ cho nhân dân đi lại. Đến năm 1993, khi tu sửa cầu, sàn gỗ được thay bằng sàn đá tảng cùng với sự gia cố thêm hai thanh dầm dọc bằng bêtông cốt thép tạo sự bền vững cho cầu.
Hai bên hành lang cầu cũng được lát đá tảng, tạo phần gờ cao hơn phần mặt cầu 0,15m. Riêng ở 3 gian chính giữa, phần hành lang được xây cao hơn mặt cầu khoảng 40cm thành bậc để ngồi, phía ngoài có lan can. Đây là nơi để người dân nghỉ chân hoặc ngồi hóng mát, thư giãn ngắm cảnh sông nước.
Hai bên đầu cầu đều trổ cửa cuốn vành mai. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Hai đầu phía Nam và phía Bắc của cầu xây tường gạch, mở cửa cuốn với kích thước rộng 1,70m, cao 2m. Trên cửa cuốn chính đề ba chữ Hán "Thượng gia kiều." Hai bên cửa cuốn trổ cửa giả, tạo dáng cuốn vành mai. Phía trên cầu trang trí đấu trụ, được soi gờ chỉ mềm mại theo phong cách thời Nguyễn.
Lối lên ở cả hai bên cầu đều được xây bậc bằng các phiến đá xanh ghép lại. Mỗi bậc có chiều rộng khoảng 50cm, độ cao bậc khoảng 10cm.
Vẻ đẹp cổ kính của cây cầu hơn 300 tuổi. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Với giá trị về kiến trúc và lịch sử, năm 2003, Cầu ngói Thượng Nông được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh và đến tháng 6/2012, cây cầu cổ hơn 300 năm tuổi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.
Cầu ngói Thượng Nông là một dấu ấn độc đáo của kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 18. Nhờ những tinh hoa trong kỹ thuật xử lý nền móng, ghép đá, ráp mái… của người xưa, cây cầu mang một sức sống bền vững trong dòng chảy của thời gian, tô điểm thêm cho vẻ đẹp của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thanh bình, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa./.
Theo (Vietnam+) - 15/01/2024
https://www.vietnamplus.vn/cau-ngoi-thuong-nong-kien-truc-thuong-gia-ha-kieu-doc-dao-cua-the-ky-18-post919613.vnp