Những bước tiến Nga đạt được trên chiến trường đã buộc Ukraine phải áp dụng thế phòng thủ chặt chẽ hơn. Sau khi không tái chiếm được các khu vực rộng lớn ở phía Nam theo kế hoạch, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu quân đội xây dựng các công sự mới dọc theo chiến tuyến dài 1.000km.
Ukraine buộc phải thay đổi chiến lược
Sau nhiều tuần giao tranh tại khu vực Kherson, Vanya – một binh sỹ Ukraine thuộc đơn vị trinh sát, chiến đấu cùng với lính thủy đánh bộ ở bờ Đông sông Dnipro, miền Nam Ukraine cho biết: “Tình hình rất tồi tệ”.
Binh lính Ukraine nhắm bắn UAV tại Kharkov. Ảnh: Business Insider
Đánh giá này được đưa ra sau nhiều tháng quân đội Ukraine tiến hành cuộc tấn công táo bạo vào mùa thu năm 2023, nhằm thiết lập đầu cầu đổ bộ nằm sâu trong vùng do Nga kiểm soát ở Kherson, phía Nam. Nhưng sự kiểm soát của các binh sỹ Ukraine ở các cứ điểm trên sông Dnipro, gần làng Krynky đang bị đe dọa. Vị trí của họ trên địa hình đầm lầy và trong các chiến hào rất nông, dễ bị ngập lụt. Thời tiết giá lạnh cũng làm chậm hoạt động chiến đấu, khiến họ không có thời gian để nghỉ ngơi.
Quân đội Ukraine đang phải chịu thương vong nặng nề, binh sỹ Vanya dẫn một số nguồn tin cho biết. Trong khi lợi thế về quân số của Nga đông gấp 4 đến 5 lần. Thách thức tiếp theo với Ukraine là vấn đề hậu cần. Do Ukraine phải vượt sông bằng những chiếc thuyền nhỏ để cơ động hơn và không dễ bị phát hiện, nên họ không thể vận chuyển những loại vũ khí lớn hơn và nguy hiểm hơn. “Chúng tôi chỉ mang theo những gì có khả năng mang, chẳng hạng như súng phóng lựu. Trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng tôi mang theo cả súng máy hạng nặng”.
Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một vị trí mà từ đó quân đội Ukraine có thể tiến hành các cuộc tấn công mới, sâu hơn vào lãnh thổ do Nga kiểm soát. Nhưng triển vọng này ngày càng có ít khả năng xảy ra. Trong những tuần gần đây, nhiều blogger quân sự của Nga và các nhà phân tích phương Tây nói rằng, lực lượng Nga đã giành lại một số cứ điểm ở bờ Đông.
Khi được hỏi liệu Ukraine có khả năng giữ vững căn cứ ở bờ đông sông Dnipro lâu dài hay không, Vanya nói rằng, điều này rất khó xảy ra: “Trên thực tế, thủy quân lục chiến đã không thể duy trì nhịp độ tấn công và đang dần mất thế chủ dộng”.
Vanya dự kiến, quân đội Ukraine sẽ phải rút lui về các vị trí phòng thủ ở bờ Tây sông Dnipro. Nếu không họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề và mất đi các đơn vị lão luyện nhất. Nhưng câu hỏi đặt ra là Ukraine nên phòng thủ ở mức độ nào để đạt hiệu quả an toàn trong bối cảnh cuộc chiến đang bước sang năm thứ ba. Đây không chỉ là câu hỏi dành cho các binh sỹ đồn trú trên sông Dnipro mà còn đối với toàn bộ quân đội Ukraine và tổng tư lệnh của nước này.
Ukraine xây thành đắp lũy dọc chiến tuyến
Theo giới phân tích, triển vọng quân sự của Ukraine dường như đang mờ nhạt. Kiev đã từ bỏ hy vọng giành được một chiến thắng nhanh chóng, thay vào đó chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Một số quan chức cho biết: “Cả Nga và Ukraine có rất ít triển vọng đạt được bước đột phá lớn trong năm 2024”.
Thực tế này cũng được Kiev thừa nhận. Tổng thống Ukraine Zelensky hồi đầu tháng 12/2023 tuyên bố rằng, “một giai đoạn mới” đã bắt đầu. Sau khi không tái chiếm được các khu vực rộng lớn ở phía Nam theo kế hoạch, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu quân đội xây dựng các công sự mới dọc theo chiến tuyến dài 1.000km, báo hiệu sự chuyển đổi từ thế tấn công sang phòng thủ.
Các quan chức phương Tây cho rằng, chiến lược “phòng thủ tích cực” – giữ các tuyến phòng thủ đồng thời thăm dò điểm yếu của đối phương để tấn công bằng các cuộc không kích tầm xa, sẽ cho phép Ukraine củng cố lực lượng trong năm 2024 và chuẩn bị cho năm 2025 khi có cơ hội phản công tốt hơn.
Nhưng có một số yếu tố có thể tác động tới kết quả của chiến lược này. Nối bật trong số đó là sự thiếu ổn định liên quan đến sự hỗ trợ của phương Tây, trong đó có cả đạn dược. Vẫn chưa rõ liệu phương Tây có thể giữ vững cam kết ủng hộ Ukraine hay không và nếu có thì ở mức độ nào.
Mối lo ngại lớn nhất nằm ở Washington khi Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Ukraine trong năm 2023. Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh và Đức, đang cung cấp sự hỗ trợ về tài chính, nhưng Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Hiện các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn chưa chấp nhận gói viện trợ bổ sung cho Ukraine do những tranh cãi liên quan đến vấn đề an ninh biên giới.
Theo giới quan sát, ngay cả khi Nhà Trắng đạt được thỏa thuận với Quốc hội để tăng cường viện trợ cho Ukraine, thì điều này cũng khó có thể mang lại bước nhảy vọt về năng lực và công nghệ, cho phép Ukraine giành được lợi thế một cách quyết định.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, Nga đã dự trữ tên lửa cho mùa Đông và đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng hay các cơ cở sản xuất vũ khí của Ukraine.
Bất đồng giữa Mỹ và Ukraine
Những bước tiến Nga đạt được trên chiến trường đã buộc Ukraine phải áp dụng thế phòng thủ chặt chẽ hơn – một chiến lược mà các đối tác mạnh mẽ nhất của Kiev đều ủng hộ. Thay vì tấn công trên bộ, trọng tâm của Ukraine sẽ là giữ vững những vùng lãnh thổ hiện có, củng cố các vị trí phòng thủ và bổ sung các nguồn lực trong những tháng tới.
Theo quan điểm của Mỹ, quân đội Ukraine có thể tìm kiếm những điểm yếu trong hàng phòng ngự của Nga để khai thác khi có cơ hội. Ngoài ra, Kiev cũng có thể tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công tầm xa trên không bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào hậu cứ của Nga hoặc căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại Crimea.
Nhưng ông Oleksandr Syrsky, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine cho rằng, chiến lược này không dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ: “Mục tiêu của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi kiên quyết giữ vững lập trường khiến đối phương kiệt sức bằng cách gây tổn thất tối đa”. Các quan chức khác ở Kiev cũng lo ngại rằng, nếu Ukraine chỉ dựa vào chiến lược phòng thủ thì điều này sẽ gây bất lợi cho nỗ lực giao tranh của họ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cảnh báo, nếu chỉ tập trung ngăn chặn mà không tiến hành tấn công thì đây sẽ là “sai lầm mang tính lịch sử. Nga sẽ dễ dàng chứng minh rằng Ukraine không thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Vì thế chúng tôi phải luôn khiến Nga cảnh giác”.
Thời gian gần đây, Nga được cho là đã tiếp nhận thêm nhiều đạn pháo và tên lửa từ các nước đối tác, song song với việc tăng cường sản xuất vũ khí đạn dược. Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này đã khiến họ có được vị trí tốt hơn so với trước đây, sau khi chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến giành Bakhmut năm 2023. Nhưng liệu Nga có thành công hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho rằn: “Rõ ràng, cả Nga và Ukraine đều gặp nhiều khó khăn trong việc giao chiến, huấn luyện và duy trì lực lượng. Họ không thể tạo ra hoặc tận dụng ưu thế về số lượng”. Chưa kể, các bên đang phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt.
Ông Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho rằng, thời tiết giá lạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của quân đội Nga, nhưng không hoàn toàn ngăn chặn được các cuộc tấn công của đối phương. Vì thế, bước đi phù hợp đối với Ukraine sẽ là chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các vùng lãnh thổ của họ. Theo tình báo Mỹ, tình trạng bế tắc có thể mang lại lợi ích cho Moscow và Tổng thống Putin dường như đặt cược rằng, sự bế tắc sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ của phương Tây và cuối cùng giúp Nga chiếm ưu thế.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) – 23/1/2024
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lo-vo-tran-truoc-binh-luc-nga-ukraine-xay-thanh-dap-luy-doc-chien-tuyen-post1073200.vov