Cập nhật: 24/01/2024 07:31:00
Xem cỡ chữ

Cù Lao Dung là dải cù lao ở cuối nguồn sông Hậu, nơi có ba cửa sông Ðịnh An, Bassac (Ba Thắc) và Trần Ðề. Ðây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Sóc Trăng. Nằm giữa sông lại giáp biển, có hệ sinh thái đa dạng và sở hữu nhiều di sản văn hóa, Cù Lao Dung hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để vươn mình phát triển.

Cù Lao Dung phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch.

 

Ði giữa dải cù lao xanh mát những vườn cây trái sum suê trĩu cành, bạt ngàn những rẫy mía, thẳng tắp những vuông tôm, ngan ngát xanh những rặng bần vươn mình ra biển Ðông, nhiều người tin rằng mảnh đất thanh bình, nên thơ này sẽ như cánh chim đại bàng bay cao, vươn xa...

Lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử

Hơn hai thập kỷ trước, huyện Cù Lao Dung được thành lập trên cơ sở các cù lao nằm ở hạ nguồn sông Hậu với diện tích lên đến hàng nghìn ha. Ðây là một trong những cù lao lớn nhất ở Tây Nam Bộ và là cù lao lớn nhất trên sông Hậu. Hiện, toàn huyện có một thị trấn, bảy xã, 37 ấp với diện tích hơn 245 km2, dân số hơn 58.500 người. Các địa phương cấp xã đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo và Cù Lao Dung là một huyện đảo.

Theo Tiến sĩ sử học Lê Hữu Phước, xuyên suốt công cuộc khai hoang mở đất vào thế kỷ XVII và có thể sớm hơn, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung hiện còn nhiều địa danh gắn với công khai phá của các thế hệ tiền nhân. Trên địa bàn Cù Lao Dung có nhiều dấu tích liên quan đến chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long) như rạch Long Ẩn, rạch Vượt, rạch Trại, rạch Xu, rạch Trường Tiền... Tại thực địa, hiện vẫn còn các nền đất cao, bằng phẳng được xem là dấu tích đồn binh, doanh trại; cư dân địa phương từng thu nhặt được tiền đồng, các mẫu dao, kiếm bằng sắt đã hoen gỉ...

Cù Lao Dung có vị trí chiến lược với địa hình cách biệt đất liền, thông ra biển Ðông, lại được phủ kín bởi những rừng cây, các loài thực vật cùng hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Dựa vào lợi thế này, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cù Lao Dung được chọn là nơi xây dựng căn cứ cách mạng như: Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng; căn cứ Tỉnh ủy Cửu Long; căn cứ Huyện ủy Long Phú; căn cứ Huyện ủy Trà Cú (tỉnh Trà Vinh)...

Từ năm 1970, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã An Thạnh Ðông đã được dựng lên, hiện là Di tích lưu niệm danh nhân cấp quốc gia. Theo lịch sử Ðảng bộ huyện Cù Lao Dung, khi nghe tin Bác Hồ về với thế giới người hiền vào ngày 2/9/1969, Huyện ủy, Mặt trận Giải phóng dân tộc huyện Long Phú cùng dân quân cù lao (lúc này Cù Lao Dung được chia thành bốn xã trực thuộc huyện Long Phú), đã tổ chức Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch và mọi người cùng tuyên thệ sẽ biến đau thương, mất mát thành hành động cách mạng. Sau đó, nhân dân đã kiến nghị với lãnh đạo huyện, xã cho lập Ðền thờ Bác trên mảnh đất Cù Lao Dung để ngày đêm bà con phụng thờ, tưởng nhớ lãnh tụ kính yêu.

Ðảng bộ và quân dân các xã cù lao đã tích cực đóng góp nhân lực, khởi công xây dựng Ðền thờ Bác Hồ bất chấp các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt của địch. Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 80 của Bác, hàng nghìn người dân và cán bộ tỉnh, huyện, xã đã nô nức tập trung về dự lễ khánh thành Ðền thờ Bác.

Ngày nay, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, những ngày lễ lớn của đất nước, những sự kiện trọng đại của địa phương, Ðảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Sóc Trăng đều đến Ðền thờ Bác tại Cù Lao Dung dâng hương báo công với Người về thành quả chăm lo cho nhân dân, phát triển quê hương, đất nước…

Có dịp rảo bước trên dải đất Cù Lao Dung ta như nghe tiếng thầm thì của ông cha từ ngàn xưa vọng lại. Ðâu đó trên những con đường bê-tông nhựa, đường đan rực sắc hoa vàng “nông thôn mới”, dường như ta vẫn còn nghe văng vẳng những lời ca bất hủ trong nhạc phẩm “Du kích Long Phú” của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương: “Ai về Cù Lao Dung, nhớ ghé viếng Rạch Già, nhớ về An Thanh Nhứt hỏi Tây chết mấy thằng. Cánh cồn nay xơ xác, dân cồn vẫn tươi cười, đất cồn lưu luyến mãi, bóng người du kích quân. Ðấy là nơi quê quán, chan hòa mối thâm tình, kết lại bằng xương máu, giữa đồng bào với ta...”.

Để cù lao “cất cánh”

Tại công trình xây dựng cầu Ðại Ngãi đang hối hả thi công, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Lê Trọng Nguyên hào hứng cho biết: “Cù Lao Dung trải dài từ sông Hậu ra biển Ðông, có chiếc cầu này sẽ như đại bàng được chắp thêm đôi cánh!”.

Cù Lao Dung có vị trí thuận lợi để giao thương với các vùng lân cận và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong đó, phía nam giáp với biển Ðông và là nơi tiếp giáp với hai Khu kinh tế biển quan trọng, gồm: Ðịnh An của Trà Vinh và Trần Ðề của Sóc Trăng. Tuyến tàu cao tốc Trần Ðề-Côn Ðảo là một dự án rất hấp dẫn và có tính khả thi cao vì từ Trần Ðề đi Côn Ðảo chỉ bằng một phần hai đoạn đường và chỉ mất một nửa thời gian so với từ Vũng Tàu đi Côn Ðảo. Tỉnh Sóc Trăng đang gấp rút hoàn thành dự án Cảng biển Trần Ðề, mở ra triển vọng phát triển cho Cù Lao Dung.

Ðược phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, nhiều khoáng chất, diện tích đất Cù Lao Dung ngày một sinh sôi và lấn dần ra biển Ðông. Công trình ngăn mặn đê Tả-Hữu giúp bảo đảm nguồn nước ngọt dồi dào, tạo cho Cù Lao Dung tiềm năng phát triển nông nghiệp có chất lượng cao và nhất là phát triển du lịch.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tại Cù Lao Dung sẽ hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên cho biết, huyện đã thực hiện thành công Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, công nghệ cao, phát triển bền vững. Ðến nay, giá trị bình quân trên 1 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 175 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 62,39 triệu đồng (tăng gần bốn lần so với năm 2010). Huyện đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái gắn với các vùng cây ăn quả đặc trưng của huyện như: xoài, nhãn, mía, rau màu.

Cù Lao Dung có nguồn lợi thủy sản phong phú của ba hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn, thích hợp cho nghiên cứu, lai tạo các giống loại thủy sản để kêu gọi các viện nghiên cứu tổ chức trại thực nghiệm, làm dịch vụ giống cung cấp cho các địa phương lân cận. Từ đó, hình thành vùng du lịch gắn với rừng ngập mặn ven biển; đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, mở về hướng biển.

Ðến nay, Cù Lao Dung đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Từ năm 2014, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung là xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận xã nông thôn mới và cũng là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Ðầu năm 2024, An Thạnh 1 là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Bí thư Ðảng ủy xã An Thạnh 1 Võ Hoàng Long cho biết, toàn xã hiện có 1.320 ha cây ăn trái, có nhiều tiềm năng phát triển loại hình kinh tế miệt vườn gắn với du lịch. Xã tiếp tục duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, hoặc đạt chuẩn mô hình “Xã đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử”.

Hiện, tuyến Quốc lộ 60, quốc lộ nam sông Hậu đã kết nối Cù Lao Dung với các khu công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng như Trần Ðề, Ðại Ngãi, Cái Côn và Khu công nghiệp Hưng Phú của thành phố Cần Thơ. Hệ thống giao thông sông, biển rất thuận lợi với hai cửa sông lớn ra biển Ðông là Ðịnh An và Trần Ðề, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa với những phương tiện vận tải lớn, giảm chi phí và bảo đảm an toàn...

Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Lê Trọng Nguyên cho biết, sau khi Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, nhiệm vụ trước hết của huyện là chủ động phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh tiến hành thực hiện công bố quy hoạch; đồng thời, đẩy mạnh thông tin, truyền thông sâu rộng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội... để tạo sự đồng thuận chung. Cùng với đó, bắt tay ngay việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch để Cù Lao Dung phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Cù Lao Dung luôn mở rộng vòng tay mời gọi các nhà đầu tư có tâm, đủ lực đến cùng làm ăn, phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của dải đất ngày một sinh sôi ở cuối sông Hậu này.

Theo nhandan.vn - 20/01/2024

https://nhandan.vn/ve-vung-dat-vuon-ra-bien-dong-post792896.html