Phương Tây trên thực tế đang đối mặt với một lựa chọn quyết định: Đó là ủng hộ Ukraine để nước này có thể bảo vệ lãnh thổ và chuẩn bị cho cuộc tấn công năm 2025 hay là nhượng bộ lợi thế cho Nga?
Gần 2 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, giới chức Ukraine vẫn duy trì một yêu cầu với phương Tây: Đó là hãy cung cấp nhiều hỗ trợ hơn và đưa ra nhiều cam kết chính trị hơn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thăm hàng loạt quốc gia phương Tây vào cuối năm ngoái để kêu gọi sự hỗ trợ giữa bối cảnh dư luận ngày càng mệt mỏi vì xung đột và Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về khoản hỗ trợ bổ sung cho Kiev. Vào thời điểm đó, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny thừa nhận xung đột chững lại sau khi cuộc phản công năm 2023 của Ukraine không đạt được thành quả chiến lược trước phòng tuyến kiên cố của Nga.
Một thành viên thuộc Lực lượng Phòng không Ukraine ở phía Bắc Kharkiv. Ảnh: Washington Post
Các quan chức phương Tây dự đoán, Kiev sẽ đối mặt với một năm khó khăn phía trước, thời điểm quân đội Ukraine vốn đã kiệt sức, sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc phòng thủ thay vì tấn công giành lại lãnh thổ Nga kiểm soát.
Trong khi khoản tiền hỗ trợ tương lai của Mỹ cho Ukraine vẫn bị cản trở bởi các vấn đề chính trị trong nước thì trên tiền tuyến, các báo cáo cho thấy nhiều đơn vị của Kiev đã cạn kiệt đạn dược.
"Chúng tôi bị đặt câu hỏi về kế hoạch của mình nhưng cần phải tính tới các nguồn lực mà chúng tôi có. Hiện nay, mọi thứ cho thấy chúng tôi sẽ có ít nguồn lực hơn năm ngoái, khi mà Ukraine tiến hành phản công và không thành công. Nếu chúng tôi có ít nguồn lực hơn thì kế hoạch đã rõ, đó là tập trung vào phòng thủ", Nghị sĩ Ukraine Roman Kostenko nói.
Gói hỗ trợ khẩn cho Ukraine bế tắc ở Washington
Các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cản trở nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm huy động ngân sách cho Ukraine. Các nhà phân tích tin rằng, Moscow đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và hy vọng vào sự quay lại của cựu Tổng thống Donald Trump - người tuyên bố sẽ thu hẹp sự hỗ trợ cho Kiev và có một quan điểm ôn hòa hơn với những mối lo ngại an ninh của Điện Kremlin ở Đông Âu.
Chính quyền Tổng thống Biden và các nước châu Âu đang vạch ra một kế hoạch dài hạn nhằm tránh kịch bản này và đảm bảo sự hỗ trợ tương lai cho Ukraine. Điều đó bao gồm các cam kết hỗ trợ an ninh và kinh tế trong thập kỷ tới, dọn đường cho Ukraine hội nhập với các tổ chức phương Tây như EU và NATO. Tổng thống Biden dự kiến sẽ tiết lộ chiến lược này của Mỹ vào mùa xuân 2024.
"Tại các nước phương Tây, giới chức hiểu rõ sự kiên nhẫn của dư luận với các khoản tài trợ cho Ukraine không phải là vô hạn. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rõ, ngay cả khi Ukraine không giành lại tất cả lãnh thổ trong tương lai gần thì Kiev cũng cần sự hỗ trợ đáng kể để duy trì khả năng phòng thủ và trở thành một phần không thể thiếu của phương Tây", Washington dẫn lời một số nhà phân tích cho hay.
Trong tương lai gần, những thiếu thốn trên tiền tuyến của Ukraine và sự chia rẽ ở Washington có thể quyết định số phận cuộc xung đột.
“Trong khi nửa đầu năm 2024 hầu như không có nhiều thay đổi với việc kiểm soát lãnh thổ Ukraine thì vấn đề trang thiết bị, huấn luyện quân đội và thương vong của mỗi bên trong những tháng tiếp theo sẽ quyết định xu hướng lâu dài của cuộc xung đột", Jack Watling, học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh đánh giá. Theo nhà quan sát này: "Phương Tây trên thực tế đang đối mặt với một lựa chọn quyết định: Đó là ủng hộ Ukraine để nước này có thể bảo vệ lãnh thổ và chuẩn bị cho cuộc tấn công năm 2025 hay là nhượng bộ lợi thế cho Nga?".
Phương Tây lãng phí cơ hội vàng để Ukraine giành lại lãnh thổ?
Nhà quan sát Yaroslav Trofimov thuộc Wall Street Journal đã có những đánh giá về việc phương Tây "đuối sức" trong việc hỗ trợ quân sự cho Kiev do lo ngại leo thang căng thẳng với Moscow. Mỹ và đồng minh cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ chưa từng có nhưng một số nhà quan sát cho rằng sự thận trọng quá mức của phương Tây đã làm suy yếu khả năng chiến đấu của Ukraine vào những thời điểm bước ngoặt.
"Mỹ và các đối tác đã trì hoãn cung cấp cho Ukraine vũ khí do phương Tây sản xuất vào thời điểm chúng lẽ ra có thể phát huy khả năng cao nhất và cấm Kiev sử dụng các vũ khí tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", nhà quan sát Trofimov viết.
Theo ông: "Vào thời điểm nhiều hệ thống phương Tây đến tay Ukraine trong năm thứ hai của cuộc xung đột, Nga đã xây dựng các phòng tuyến kiên cố, huy động hàng trăm nghìn binh lính và chuyển các ngành công nghiệp sang chế độ thời chiến. Cánh cửa cơ hội tốt nhất cho một chiến thắng rõ ràng và nhanh chóng của Ukraine đã biến mất".
Trong khi đó, nhà phân tích Hal Brands nhận định trên Bloomberg rằng, cho dù có nhiều sự hỗ trợ đến sớm hơn và hiệu quả hơn thì không có gì đảm bảo điều đó sẽ mang đến một chiến thắng quyết định cho Ukraine.
"Sự đảm bảo tốt nhất cho kết quả đó sẽ đe dọa sự can thiệp quân sự trực tiếp, một chiến lược gần như không ai muốn theo đuổi bởi những rủi ro quá rõ ràng và có thể là nghiêm trọng. Trên thực tế, điều đó sẽ yêu cầu Tổng thống Biden vượt qua các lằn ranh đỏ của Nga mạnh mẽ hơn", chuyên gia này cho hay.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky đã trả lời trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng này rằng: 'Chúng tôi sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Đó là sự thật".
Bất chấp những khó khăn vì mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ, ông Zelensky cho biết, Kiev vẫn nhận được sự ủng hộ từ phía Washington. "Có những thành viên đảng Cộng hòa không ủng hộ Ukraine, nhưng đại đa số đảng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ Ukraine", ông nói.
Liên quan tới khả năng ông Donald Trump có thể tái đắc cử và ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraine, ông Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng chính sách của Mỹ không phụ thuộc vào một cá nhân nào.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 30/1/2024
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-truoc-quyet-dinh-buoc-ngoat-giup-ukraine-danh-lon-hay-nhuong-bo-nga-post1074496.vov