Cập nhật: 07/02/2024 07:58:00
Xem cỡ chữ

Xưởng may nằm nép mình trên phố Trung Văn (Hà Nội) là nơi tạo ra những chú Rồng nhồi bông chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 bởi những mảnh đời đặc biệt.

Những sản phẩm Rồng độc đáo chào Xuân Giáp Thìn của xưởng may đặc biệt

Bên trong xưởng may Kym Việt (Nam Từ Liêm, Hà Nội) những ngày giáp Tết vang tiếng máy khâu và đôi bàn tay thoăn thoắt của những người thợ đặc biệt đang tạo ra những chú Rồng nhồi bông chào đón năm mới Giáp Thìn.

Xưởng may của những mảnh đời đặc biệt

Kym Việt là “ngôi nhà” của những mảnh đời yếu thế, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ thủ công được làm chủ yếu từ vải: Các sản phẩm decor, quà tặng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng.

Nằm trên con phố Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Kym Việt là nơi làm việc của cộng đồng những người khuyết tật, trong đó đa số là người khiếm thính bẩm sinh. Tầng một của ngôi nhà cũng là xưởng may chính, chỉ có âm thanh hối hả của những chiếc máy khâu để kịp đơn hàng Tết.

Anh Phạm Việt Hoài, CEO của Kym Việt kể rằng bản thân cũng là người khuyết tật do một tai nạn khi lên 7 tuổi, bị chấn thương cột sống và liệt hai chân. Năm 18 tuổi Hoài bắt đầu cùng bạn bè đầu tư làm ăn.

1.jpg

Xưởng may của những mảnh đời đặc biệt tại 123 Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Công việc thuận lợi, khi có tiền tỷ trong tay thì cũng chính lúc này Hoài nhận ra không phải người khuyết tật nào cũng thuận lợi trong cuộc sống nên anh rất trăn trở về công việc dành cho người khuyết tật. Bởi thế, sau nhiều ấp ủ, Kym Việt ra đời.

Về cái tên " Kym Việt," anh Hoài cho biết, "Kym" trong từ "kim khâu" được viết cách điệu để tạo điểm nhấn, còn "Việt" trong tên đất Việt. Ngay từ khi thành lập, Hoài cùng cộng sự xác định Kym Việt là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi hỗ trợ từ thiện. Các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không dựa vào sự thương cảm.

“Tuy cái tên không hoa mỹ nhưng Kym Việt mang theo ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn ra thế giới của một cộng đồng người khuyết tật nhỏ bé," anh Hoài bộc bạch.

Sản phẩm tại đây được “kể chuyện” bởi đôi bàn tay của những người khuyết tật muốn sống một cuộc đời ý nghĩa. Để cho ra mỗi sản phẩm đẹp từng đường kim mũi chỉ là công phu của nghệ thuật thủ công và cả những giọt mồ hôi, nụ cười của các công nhân đặc biệt.

2.jpg

Anh Phạm Việt Hoài, CEO của Kym Việt chia sẻ về sản phẩm thú nhồi bông hình linh vật Rồng đón năm mới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (Hà Đông, Hà Nội) – người đã gắn bó với xưởng may 8 năm chia sẻ: “Lúc đầu, tôi xin vào xưởng để học tập, luyện tập để từ từ có thể làm ra những sản phẩm chất lượng. Khó khăn chồng chất, nhưng với sự chỉ dạy của các anh chị đi trước, nỗ lực của bản thân, dần dần tôi đã làm ra được những sản phẩm ưng ý. Kym Việt không chỉ là nơi cho tôi công việc, trang trải cuộc sống mà còn như một ngôi nhà đoàn kết, yêu thương.”

Kể về những kỷ niệm với các “chiến binh” Kym Việt, anh Hoài cho biết tháng 9/2023, Hoàng gia Nhật sang thăm Việt Nam và chọn Kym Việt là một điểm đến của Công nương Kiko. Khi tới xưởng may, được Kym Việt tặng một con Rồng, Công nương đã đem về trưng bày ở trong phòng khách của Hoàng gia Nhật bản.

“Kym Việt mong muốn qua việc này, bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, tinh thần, giá trị con người Việt Nam thông qua hình tượng Rồng của năm 2024,” anh Hoài hồ hởi.

Linh vật Rồng đón năm mới

Theo thông lệ, cứ tới dịp gần Tết cổ truyền, những thợ may tại Kym Việt sẽ cho xuất xưởng sản phẩm tượng trưng là linh vật của năm mới. Năm nay, xưởng may đặc biệt này đã lên ý tưởng thiết kế và chỉnh sửa mẫu từ tháng 6, tháng 7/2023 rồi bắt tay vào làm ra sản phẩm với hình tượng linh vật Rồng đón năm 2024.

Sản phẩm chính để chào Xuân Giáp Thìn là những chú thú nhồi bông hình Rồng. Để làm ra sản phẩm, tổ thiết kế sẽ tìm hiểu về văn hóa Việt, chọn lựa chi tiết trong hình ảnh con Rồng từ đời các vua Lý, Trần..., sau đó lên ý tưởng đưa vào sản phẩm để mang được văn hóa, hồn của người Việt.

WIPO tiết lộ đang cử một chuyên gia làm việc với Kymviet để nâng tầm quốc tế cho thương hiệu và các sản phẩm khác của công ty, hỗ trợ quá trình mở rộng các mục tiêu kinh doanh của cơ sở này.

Mẫu Rồng đặc biệt nhất trưng bày tại Kym Việt có lớp ngoài bằng lụa và thổ cẩm, kết hợp cùng nhiều chất liệu truyền thống khác. Con Rồng này là một tác phẩm cầu kỳ, ngay cả râu Rồng cũng được cuốn bằng tay; viên ngọc hay mắt được mạ vàng, phần thổ cẩm làm hoàn toàn từ lụa. Để làm ra ra sản phẩm này, những người thợ của Kym Việt đã phải khâu bằng tay, rất tỷ mỷ. Viên ngọc bên trong miệng Rồng được dát vàng tượng trưng cho ước vọng may mắn và tài lộc.

3.jpg

Sản phẩm mới cho năm Giáp Thìn là chiếc đồng hồ có biểu tượng Rồng dựa trên nguyên mẫu linh vật thêu trên Long bào nhà Nguyễn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bên cạnh thú nhồi bông, năm nay, xưởng may của anh Hoài cũng cho ra mắt sản phầm đồng hồ có biểu tượng Rồng dựa trên nguyên mẫu linh vật thêu trên Long bào nhà Nguyễn.

Đây là sản phẩm mới của Kym Việt. Anh Hoài chia sẻ rằng mặt đồng hồ được đắp nổi như dạng phù điêu tạo ra sự khác biệt của sản phẩm. Tất cả phần in ấn vào gỗ, đã được xử lý để sản phẩm không bị cong vênh và điều quan trọng nhất vẫn mang đậm văn hóa Việt trên mỗi sản phẩm.

Chia tay tôi, anh Hoài chia sẻ mong muốn các sản phẩm của những người thợ đặc biệt được đến tay bạn bè quốc tế. Đó không chỉ đơn giản là nâng cao đời sống cho những con người cần mẫn, tỷ mỷ hằng ngày của Kym Việt mà còn góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa Việt./.

Theo (Vietnam+) – 7/2/2024

https://www.vietnamplus.vn/nhung-san-pham-rong-doc-dao-chao-xuan-giap-thin-cua-xuong-may-dac-biet-post926835.vnp