Chiếc bánh chưng gù nổi tiếng không chỉ là đặc sản của riêng người dân Hà Giang mà còn là món ngon được người dân cả nước ưa chuộng, là thức quà ngon tặng cho người thân, bạn bè mỗi khi Tết đến Xuân về.
Từ lâu, món bánh chưng gù đã được nhiều người ở khắp nơi trên cả nước biết đến và ưa chuộng. Chiếc bánh chưng gù có hình thức khác biệt so với bánh chưng vuông truyền thống và đòn bánh tét hình trụ. Không chỉ thế, nét đặc sắc riêng có còn ở từng hạt gạo, hạt đỗ và miếng thịt heo thơm nức. Nhiều người rất chuộng bánh chưng gù vì chiếc bánh nhỏ xinh này phù hợp với khẩu phần ăn của gia đình, không quá to như bánh chưng vuông nên rất tiện lợi.
Có nhiều địa phương ở vùng cao làm món bánh chưng gù này vì đó là một món ăn truyền thống trong ngày lễ Tết của đồng bào các tỉnh miền núi, trong đó nổi tiếng nhất là bánh chưng gù Hà Giang.
Bánh chưng gù tượng trưng cho vẻ đẹp người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Chiếc bánh tượng trưng cho vẻ đẹp người phụ nữ dân tộc thiểu số
Sở dĩ có tên gọi bánh chưng gù vì nó tượng trưng cho hình ảnh đồng bào vùng cao địu chiếc gù lên nương làm rẫy, địu lúa, ngô trên vai, ca ngợi sự chăm chỉ của con người nơi đây, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Từ nguồn gốc đó, chiếc bánh chưng gù đã trở thành một loại bánh truyền thống mang đậm nét bản sắc lâu đời của đồng bào, đặc biệt là đồng bào Tày vùng cao Hà Giang. Nó là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết cổ truyền hay trong các bữa ăn ngày thường của đồng bào.
Bánh chưng gù ngày nay không chỉ là đặc sản của riêng người dân Hà Giang mà còn là món ăn được người dân cả nước ưa chuộng, là thức quà ngon tặng cho người thân, bạn bè mỗi khi Tết đến Xuân về.
Công đoạn chế biến cầu kỳ.
Nguyên liệu đặc biệt và chế biến bánh chưng gù cầu kỳ
Bánh chưng gù của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang được làm từ những đặc sản của người dân địa phương, ăn rất mềm, ngon, béo ngậy và không bị ngán.
Theo chị Hoàng Thị Hương, một người làm nghề gói bánh chưng gù lâu năm rất nổi tiếng tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, để có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon đạt chuẩn thì công đoạn chọn nguyên liệu làm bánh phải rất kỹ lưỡng.
Bánh luộc trên bếp củi trong vòng 8-10 tiếng.
Nguyên liệu để làm ra món bánh chưng gù bao gồm: gạo nếp nương được trồng ở Bắc Mê; đỗ xanh ta thơm bở; thịt lợn đen nuôi dân giã…
Gạo làm bánh được vo sạch, trộn với nước cốt lá riềng xay lọc sạch để có màu xanh tự nhiên, khi luộc bánh sẽ tỏa ra mùi thơm.
Bánh được gói bằng lá dong rừng, thêm nhân đỗ và thịt ba chỉ lợn đen, hạt tiêu… luộc trên bếp củi trong vòng 8-10 tiếng đến khi bánh dền dẻo. Bánh chín phải dẻo, mềm, thơm, vỏ bánh có màu xanh đẹp và có hương vị đặc trưng của núi rừng khiến người ăn nhớ mãi.
Hương vị đặc biệt của bánh chưng gù khiến người ăn nhớ mãi.
Hiện nay cũng có nhiều địa phương, nhiều cơ sở sản xuất bánh chưng gù, nhưng những chiếc bánh chưng gù của đồng bào Tày ở Bản Tùy, Hà Giang luôn được người tiêu dùng ưa chuộng nhất bởi nguyên liệu chất lượng và độ thơm ngon đặc biệt. Mong rằng nét văn hóa ẩm thực cổ truyền này sẽ được đồng bào gìn giữ bền lâu.
Theo suckhoedoisong.vn - 13/02/2024
https://suckhoedoisong.vn/banh-chung-gu-ha-giang-lam-bang-nguyen-lieu-gi-ma-thom-ngon-nuc-tieng-169240201103645134.htm