Cập nhật: 29/02/2024 07:45:00
Xem cỡ chữ

Trong khi Ukraine đang chật vật giữ vững phòng tuyến thì phương Tây lại do dự cung cấp thứ mà Kiev cần nhất lúc này, đó là đạn dược.

Rạn nứt ngày càng sâu sắc trong lòng phương Tây

Bất đồng về việc bổ sung kho đạn pháo đang ở ngưỡng thấp nghiêm trọng của Ukraine đang trở thành rạn nứt ngày càng sâu sắc ở châu Âu với việc các nước Đông Âu đổ lỗi cho Tây Âu vì họ đã không lắng nghe. Tâm trạng chung trong giới ngoại giao là nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine, Tây Âu sẽ không được tha thứ và toàn bộ dự án hội nhập châu Âu kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ có thể bị đe dọa bởi rạn nứt đã trở thành vết sẹo không thể xóa nhòa.

Các nước EU đã tranh luận trong nhiều tháng qua về việc liệu có mua vũ khí bên ngoài liên minh hay không bởi họ không thể đáp ứng mục cam kết cung cấp 1 triệu quả pháo cho Ukraine vào tháng tới.

ran nut phuong tay lon dan dat ukraine vao tinh the cam go hinh anh 1

Binh lính Ukraine vác một đạn pháo tại một vị trí giao tranh theo hướng Bakhmut. Ảnh: Getty

Pháp cho rằng ngân sách chủ yếu nên dành cho việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu về dài hạn.

Cùng lúc đó, một số nước Đông Âu cảnh giác trước Nga trong nhiều năm qua, lo sợ các nước Tây Âu vốn lớn hơn và giàu hơn không tích trữ đủ kho quân sự. Các nước Tây Âu cũng đang ngăn cản Ukraine nhận được hỏa lực tầm xa. Trong khi đó, Đông Âu cho rằng Ukraine cần hỗ trợ ngay lúc này chứ không phải vào năm 2027 khi ngành công nghiệp này mở rộng quy mô.

2 năm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, sự hỗ trợ cho Kiev trở nên chia rẽ trong khi đà tiến công đang dịch chuyển về phía các lực lượng của Nga.

Nỗi thất vọng giữa các nhà lãnh đạo Đông Âu ngày càng tăng bởi Tây Âu dường như không hiểu sự cấp bách hiện nay của việc hỗ trợ Ukraine.

"Họ đang trong chế độ thời chiến nhưng chúng ta vẫn ở chế độ thời bình. Chúng ta cần đặt mình trong chế độ khủng hoảng", Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói.

4 quốc gia Trung Âu cũng đang chia rẽ sâu sắc về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và cách giải quyết cuộc xung đột này. Trong khi Cộng hòa Séc và Ba Lan đoàn kết trong nỗ lực ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí thì Hungary và Slovakia lại có những quan điểm hoàn toàn khác.

"Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng đã có những khác biệt giữa chúng tôi", Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala đánh giá. Theo ông: "Tôi sẽ không giữ bí mật nữa. Điều này chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi có những quan điểm khác nhau về các hành động gây hấn của Nga nhằm vào Ukraine và các cách thức giải quyết nó".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin và cáo buộc nhà lãnh đạo Nga là "tội phạm chiến tranh và nguyên nhân duy nhất cho cuộc xung đột ở Ukraine là những hành động gây hấn" của Moscow nhằm vào Kiev.

"Bất kể Nga là quốc gia hùng mạnh như thế nào thì những đánh giá chính trị, đạo đức và lịch sử về những gì đang diễn ra hiện nay ở Ukraine phải rõ ràng", ông Tusk nói.

Slovakia và Hungary đều từ chối cung cấp cho Ukraine vũ khí và đạn dược. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhận định, hướng tiếp cận của phương Tây trong cuộc xung đột này là một sự "thất bại hoàn toàn".

"Tôi không tin vào giải pháp quân sự trong xung đột ở Ukraine", ông Fico nói, đồng thời cho rằng EU nên có kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột này. Thủ tướng Slovakia cũng phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga và muốn ngăn cản Ukraine gia nhập NATO. Ông nhận định, không có vũ khí nào của phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể thay đổi diễn biến giao tranh.

"Cuộc xung đột này chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán", Thủ tướng Hungary Orban nói. Ông khẳng định, các cuộc đàm phán hòa bình nên bắt đầu "càng sớm càng tốt".

Trong khi đó, ông Fiala sau cuộc gặp riêng với ông Tusk cho rằng: "Chúng ta đều biết ai là kẻ gây hấn, ai là nạn nhân. Chúng ta sẵn sàng ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine và tìm kiếm các giải pháp khả thi để tăng cường sự ủng hộ của mình". Ba Lan tuyên bố nước này sẵn sàng đóng góp vào kế hoạch của Cộng hòa Séc nhằm mua các loại đạn dược từ các nước thứ ba ngoài EU.

Ukraine trước tình thế cam go

Trong khi Ukraine đang chật vật giữ vững phòng tuyến thì phương Tây lại do dự cung cấp thứ mà Kiev cần nhất lúc này, đó là đạn dược và tên lửa. Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc phản công của Ukraine một phần không thành công là bởi nước này không có đủ các phương tiện để chiến đấu trên không. Theo họ, nếu những hành động quyết đoán hơn được thực hiện cách đây 2 năm thì cả Ukraine và phương Tây đã ở một vị thế tốt hơn.

Giới phân tích nhận định điều tương tự cũng diễn ra với các biện pháp kinh tế. Theo đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây có quá nhiều hạn chế và lỗ hổng trong cơ chế thực hiện. EU thậm chí phải trả tiền cho Nga để mua dầu mỏ và khí đốt nhiều hơn cả số tiền hỗ trợ cho Ukraine trong năm đầu xung đột nổ ra. Cách đây 2 năm, các nước phương Tây đã ngăn cản Moscow tiếp cận 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Họ tuyên bố sẽ không dỡ bỏ biện pháp này cho tới khi Moscow bồi thường cho Ukraine vì những phá hủy trong xung đột. Tuy nhiên, phương Tây chưa dám buộc Nga phải bồi thường bằng cách chuyển các tài sản của Moscow vào quỹ tái thiết Ukraine.

Những người có quan điểm cứng rằng đánh giá, chính sự thận trọng ban đầu đã kéo dài những gì người dân Ukraine phải chịu đựng và củng cố sức mạnh của Nga.

Các nhà lãnh đạo Ukraine đang hối thúc phương Tây cung cấp các hệ thống vũ khí mới, đặc biệt là các tên lửa tầm xa có thể tấn công sâu hơn vào phòng tuyến Nga như ATACMS của Mỹ và Taurus của Đức.

Mỹ chỉ cung cấp tên lửa ATACMS tầm trung cũ nhưng chính quyền Tổng thống Biden hiện đang hướng đến việc cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa mới hơn. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào cũng đều phụ thuộc vào việc Quốc hội thông qua gói ngân sách hỗ trợ mới.

Ngoài ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây cho biết Ukraine có quyền sử dụng các vũ khí phương Tây để tự vệ trước Nga thậm chí cả khi điều đó bao gồm việc tấn công các mục tiêu bên trong biên giới của Nga.

Trong khi đó, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thì khẳng định: "Chúng ta không thể tăng cường sản xuất đạn dược qua một đêm. Nhưng chúng ta có thể quyết định ngay lập tức về việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí họ thực sự cần".

Ukraine đã cảnh báo các đối tác về tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng của nước này. Quân đội của Kiev bị Moscow áp đảo và có thể phải thu hẹp trọng tâm phòng thủ nếu tình trạng thiếu hụt trở nên nghiêm trọng hơn, đặt họ vào rủi ro trước những bước tiến công mới của Nga.

Theo Kiều Anh/VOV.VN – 29/2/2024

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ran-nut-phuong-tay-lon-dan-dat-ukraine-vao-tinh-the-cam-go-post1079517.vov