Với phương châm sẵn sàng đồng hành, gắn bó với doanh nghiệp để phát triển lâu dài, đôi bên cùng có lợi, những năm qua, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu vay vốn, có dự án khả thi để kịp thời chia sẻ và hỗ trợ hiệu quả nguồn vốn vay, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi gần 5 tỷ đồng của Agribank chi nhánh huyện Tam Dương mà anh Nguyễn Quang Đạt ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương đã quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Gần 1 nghìn m2 chuồng trại được đầu tư hiện đại đang được anh Đạt chuẩn bị hoàn thành để nâng quy mô chăn nuôi của gia đình anh lên đến gần 14 nghìn m2 chuồng trại, với tổng số chăn nuôi trên 5 vạn gà để trứng. Với số trứng thu hàng ngày gần 40 nghìn quả, trừ chi phí anh Đạt thu về gần 500 triệu đồng/tháng.
Chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro, thuận lợi, không dịch bệnh thì lợi nhuận có thể rất cao, nhưng ngược lại người chăn nuôi cũng có thể dễ rơi vào cảnh trắng tay. Những thời điểm như vậy nếu không có Agribank Chi nhánh huyện Tam Dương đồng hành thì anh Đạt không biết mình có thể vượt qua khó khăn để có thể ổn định chăn nuôi như ngày hôm nay.
Địa bàn hoạt động rộng, món vay thì nhỏ lẻ, chi phí cho khoản vay khá lớn, do vậy Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc luôn phải cân đối nguồn lực tài chỉnh để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng nhiều rủi do, chính vì vậy, Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc cũng luôn đồng hành cùng khách hàng để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Năm 2024, Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc dự kiến nguồn vốn tăng trưởng 8 đến 10%, dư nợ tăng trưởng 10%, với tổng trên 19 nghìn khách hàng tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, cùng với các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Vietcombank Chi nhánh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội địa tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Trước bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, hàng tồn kho lớn, hiệu quả kinh doanh thấp, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể thì chính sự chủ động vào cuộc của hệ thống các ngân hàng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn giảm áp lực tài chính, phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2024.
Nguyễn Toàn