Do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu và thực hiện chủ trương của Chính phủ về sản xuất xe điện thay thế dần xe chạy nhiên liệu xăng, dầu, dẫn đến sản xuất và doanh số bán ra thị trường của Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam bị sụt giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh.
Thay đổi chiến lược trong thu hút đầu tư, giảm dần phụ thuộc thu ngân sách từ sản xuất ô tô, xe máy. Vĩnh Phúc đã chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, trong đó tỉnh quan tâm thu hút lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chíp điện tử.
Là mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á, Vĩnh Phúc đang tập trung đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư và kinh doanh nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí, điện tử, bán dẫn. Để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất; thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như ô tô, xe máy, sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, sản xuất thiết bị công nghệ cao.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế., mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất chất bán dẫn
Văn Hải