Ngày 15/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024 nhằm đánh giá công tác tuyển sinh giai đoạn từ 2015 đến nay và triển khai công tác tuyển sinh trong giai đoạn tới.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2015 đến nay, công tác tuyển sinh đã có nhiều đổi mới, từ đổi mới trong công tác tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển đến đổi mới trong đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng… Tất cả những đổi mới này đều hướng tới mục tiêu là công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, minh bạch, công bằng, tạo cơ hội cao nhất người học, đảm bảo tinh thần tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; hơn 663.000 chỉ tiêu đại học và cao đẳng ngành Giáo dục mầm non; hơn 546.000 thí sinh trúng tuyển nhập học, số này đạt 82% chỉ tiêu tuyển sinh và chiếm 53% trong tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, năm 2024, công tác tuyển sinh cơ bản ổn định như những năm trước. Công tác tuyển sinh năm 2024 sẽ lưu ý tới việc tăng cường truyền thông và hỗ trợ thí sinh; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác tuyển sinh, thực hiện đợn giản hoá việc đăng ký xét tuyển; tiếp tục hoàn thiện quy trình và rút ngắn thời gian tuyển đợt 1…
Theo dự thảo kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần; đến ngày 20/8, sẽ công bố kết quả thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, công tác tuyển sinh ngày càng ổn định và tốt hơn. Trong đó, kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định và bền vững, thể hiện bằng kết quả tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo. Công tác tuyển sinh qua các năm có sự điều chỉnh mang lại sự hiệu quả, thuận lợi hơn cho thí sinh, cơ sở đào tạo và công tác quản lý nhà nước. Việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch…
Bên cạnh những mặt làm được, công tác tuyển sinh giai đoạn này còn có những hạn chế. Trong đó, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, nhưng hiện tại chưa có có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN
Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Vì thế, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý các trường dù đa dạng trong phương thức tuyển sinh nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Các trường cũng cần phải phân tích, đối sánh kỹ lưỡng kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm 2024 tiếp tục duy trì sự ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Định hướng tuyển sinh từ năm 2025 cơ bản sẽ giữ ổn định những nguyên tắc chung, nếu có chỉ điều chỉnh về kỹ thuật.
Theo Thu Hoài (TTXVN) - 16/03/2024
https://baotintuc.vn/giao-duc/duy-tri-su-on-dinh-trong-cong-tac-tuyen-sinh-dai-hoc-20240315201244123.htm