Theo các chuyên gia an sinh xã hội, hệ lụy của việc rút BHXH một lần là rất rõ ràng. Không chỉ người lao động phải đối mặt với khó khăn, rủi ro khi về già mà gánh nặng an sinh còn đè lên đôi vai Nhà nước trong tương lai. Do vậy, thay vì chọn phương án rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng, khi có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động.
Tham gia BHXH để lúc về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để được chăm sóc sức khỏe, đây là bản chất nhân văn của chính sách và cũng là chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động.
Có lương hưu, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp người lao động tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội và có thẻ BHYT được cấp miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Ngược lại, không có lương hưu, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ phải đối mặt với tuổi già không có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống, phải sống phụ thuộc vào con cháu. Đặc biệt là sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ BHYT miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, trong khi ở độ tuổi này thường xuyên đau ốm. Và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến tinh thần ở cái tuổi “cả nghĩ” này.
Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù biết trước những “hệ lụy” như vậy, nhưng chỉ vì cần một số tiền trước mắt nhiều người đã từ bỏ quyền lợi được lĩnh lương hưu khi về già của mình.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến cho người lao động quyết định rút BHXH một lần là do mất việc làm, quá khó khăn về kinh tế nên đa phần người dân, mặc dù không muốn nhưng buộc phải lựa chọn rút BHXH một lần để trang trải, vượt qua những khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, đa phần người hưởng BHXH một lần là người trẻ, quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già, vì vậy khi chấm dứt hợp đồng lao động đủ 1 năm người lao động đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần mà không biết rằng khi nhận BHXH một lần, NLĐ đã tự tước bỏ quyền được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2023 toàn tỉnh đã có 13.299 người nhận BHXH một lần (tăng 30,5% so với năm 2022). Từ đầu năm 2024 đến nay, số người đề nghị hưởng BHXH một lần là 1.347 người, tăng 345 người bằng 34,4% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế cho thấy, bên cạnh một số người vì khó khăn trước mắt đã quyết định nhận BHXH một lần, thì phần đông người lao động nhận thức được tính nhân văn của chính sách, mong muốn được đóng BHXH để khi về già được nhận lương hưu.
Theo các chuyên gia, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng đang đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Bởi việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc giảm hoặc mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người lao động cũng như với gia đình họ và xã hội.
Lê Dũng