Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang trong chuyến thăm chính thức Mỹ và dự kiến tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden nhằm nâng cấp liên minh quốc phòng.
Ông Kishida cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên với các nhà lãnh đạo Mỹ và Philippines. Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác về quốc phòng và thương mại, trước yêu cầu ứng phó với những biến động an ninh khu vực.
Sự kiện lớn nhất trong chuyến thăm kéo dài một tuần của Thủ tướng Kishida là cuộc gặp thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ diễn ra hôm nay theo giờ Mỹ. Thủ tướng Kishida hy vọng sẽ tăng cường hơn nữa liên minh quốc phòng trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden chụp ảnh cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và phu nhân Yuko Kishida tại Nhà Trắng ngày 9/4. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản muốn nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Mỹ hiện là đối tác toàn cầu đang nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và Nhật Bản sẵn sàng đảm nhận vai trò quốc tế lớn hơn về an ninh, kinh tế và không gian để hỗ trợ Washington. Hai nhà lãnh đạo sẽ đồng ý về kế hoạch hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy quân sự của 2 bên để có thể hoạt động tốt hơn. Mỹ có 50.000 quân đồn trú ở Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang chuẩn bị tái cơ cấu để có bộ chỉ huy thống nhất cho các lực lượng lục quân, không quân và hải quân vào tháng 3 năm 2025.
Hai bên cũng kỳ vọng có những sáng kiến mới về hợp tác công nghiệp quốc phòng, bao gồm hợp tác sản xuất vũ khí, có thể là một tên lửa mới, sửa chữa và bảo trì các tàu chiến Mỹ cũng như các thiết bị khác ở Nhật Bản để hỗ trợ các hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Nhật Bản có khả năng tham gia vào đối tác an ninh Mỹ-Anh-Australia để phát triển và chia sẻ các khả năng quân sự tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chiến tranh điện tử, vũ khí siêu thanh. Hai bên dự kiến xác nhận sự tham gia của Nhật Bản vào chương trình mặt trăng Artemis của NASA và sự đóng góp của nước này đối với tàu thám hiểm mặt trăng do Toyota Motor Corp có sự tham gia của phi hành gia Nhật Bản.
Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên với Tổng thống Philippineses Ferdinand Marcos vào ngày mai (11/4) nhằm ứng phó với môi trường an ninh ngày càng bất ổn ở châu Á. Thủ tướng Kisida tuyên bố, sự hợp tác giữa 3 quốc gia là vô cùng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như bảo vệ trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các quy định của pháp luật”.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Kishida cũng muốn nêu bật những đóng góp kinh tế của Nhật Bản ở Mỹ. Ông Kishida cũng gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và thăm nhà máy sản xuất pin xe điện đang được xây dựng của Toyota để dự kiến ra mắt vào năm 2025, cũng như công ty con sản xuất máy bay phản lực cuả hãng Honda ở Bắc Carolina. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông nhìn thấy cơ hội hợp tác nhiều hơn với Mỹ trong lĩnh vực chip máy tính thế hệ tiếp theo. Hãng công nghệ Microsoft hôm qua cho biết sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD trong hai năm để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản, khoản đầu tư lớn nhất trong 46 năm hoạt động của hãng tại quốc gia Đông Bắc Á. Hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ thảo luận về một dự án tàu cao tốc ở Texas sử dụng công nghệ và đầu tư của Nhật Bản.
Thủ tướng Kisida nhấn mạnh: “Nhật Bản hoan nghênh các khoản đầu tư từ Mỹ nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong các công nghệ quan trọng và mới nổi. Tăng trưởng kinh tế mà đất nước chúng tôi đạt được thông qua các khoản đầu tư của Mỹ sẽ đóng vai trò là nguồn tài trợ cho các khoản đầu tư tiếp theo vào Mỹ của các thực thể Nhật Bản. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Mỹ đã vượt 750 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2019. Các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại hơn 8.500 địa điểm trên khắp nước Mỹ, tạo ra hơn 1 triệu việc làm”.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với cả 2 nhà lãnh đạo. Thủ tướng Nhật Bản đang vật lộn với tỷ lệ tín nhiệm thấp do vụ bê bối gây quỹ của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và giá cả trong nước tăng mạnh. Do đó rất cần một chuyến thăm Mỹ thành công để củng cố tỷ lệ ủng hộ ở quê nhà. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden có khả năng đối mặt với cuộc tái đấu đầy căng thẳng với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới, với dự đoán về một sự thay đổi chính sách lớn trong quan hệ với Nhật Bản nếu cựu Tổng thống Trump trở lại nắm quyền.
Trần Nga/VOV1 - 10/04/2024
Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-nhat-ban-tham-my-thuc-day-hop-tac-kinh-te-va-quoc-phong-post1088161.vov